Lời tòa soạn

Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn, số giáo viên nghỉ việc liên tục tăng. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thái Nguyên, Gia Lai... là những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất. Tuyến bài Thiếu giáo viên - bài Toán khó đầu năm học mới của VietNamNet sẽ phản ánh vấn đề này, quý độc giả có thể đọc bài 1 tại đây.

Giáo viên ‘chạy sô’ dạy liên lớp, liên trường

Cô giáo Nguyễn Hải Yến (SN 1988), dạy tiếng Anh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH – THCS Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết huyện có 12 giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm 32 lớp. 

“Ngoài dạy ở Tà Cạ, tôi phải di chuyển sang trường Tà Cạ 2 và Mường Típ 2. Khoảng cách từ trường chính đến các trường còn lại đều trên dưới 20km”, cô Yến chia sẻ.

Cũng theo cô Yến, giáo viên dạy liên trường gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi, vào trời mưa, nhiều điểm bị sạt lở và chia cắt trên nhiều cung đường.

“Giáo viên dạy tiếng Anh không chỉ phải dạy liên trường mà còn ghép lớp. Thậm chí, nhiều điểm trường không có điện, không đảm bảo ánh sáng, không có quạt… Trời mùa hè lớp đông học sinh, vô cùng nóng nực”, cô Yến bộc bạch.

Tỉnh Nghệ An đang thiếu hơn 6.600 giáo viên năm học mới 2023 - 2024. Ảnh: Quốc Huy

Không chỉ cô Yến, nhiều giáo viên Ngoại ngữ khác cũng phải dạy nhiều điểm trường khác nhau. Thầy Mùa Bá Cử đảm nhiệm việc dạy tiếng Anh 5 điểm trường ở huyện Kỳ Sơn. Thậm chí, họ phải di chuyển từ 45 – 50km giữa các điểm trường.

Quyền Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) – ông Phạm Viết Phúc, cho biết số lượng giáo viên thiếu ở 3 cấp học khoảng hơn 200 người, trong đó, thiếu nhất giáo viên tiếng Anh (khoảng 40 người ở 2 cấp học).

“2 năm qua, không có giáo viên tiếng Anh về giảng dạy ở địa phương. Vừa rồi, chúng tôi tuyển 11 giáo viên nhưng chỉ có 3 người địa phương trúng tuyển. Trước thực trạng trên, phòng cho phép các giáo viên dạy liên trường và liên cấp học. Thậm chí, 1 giáo viên phải dạy một lúc 3 - 5 trường học”, ông Phúc thông tin.

Tương tự, tại huyện Quỳ Châu, để đảm bảo công tác giảng dạy, địa phương này cũng cần thêm hàng chục giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳ Châu, bà Nguyễn Thị Châu, nêu khó khăn: “Huyện vẫn đang có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhưng qua nhiều lần thông báo mà không có hồ sơ ứng tuyển”.

Giáo viên cấp 2 điều động dạy cấp 1, giáo viên Văn kiêm phụ trách thư viện

Bà Nguyễn Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương (Nghệ An), cho biết: “Tình trạng giáo viên dạy liên trường diễn ra từ năm học 2022 và năm 2023. Cấp THCS thừa giáo viên, trong khi bậc tiểu học lại thừa thiếu cục bộ. Để đáp ứng theo quy định chung của Bộ Nội vụ, trường cần thêm 7 giáo viên ở các môn đứng lớp”.

Phó Phòng GD-ĐT huyện Thanh Chương, bà Nguyễn Thị Hằng, thông tin thêm giáo viên THCS thừa nhiều ở các môn Văn và Toán, thiếu giáo viên viên dạy Hoá, Âm nhạc, Mỹ thuật. 

“Ở bậc tiểu học, thiếu giáo viên nên chúng tôi bố trí luân chuyển các giáo viên từ trường THCS sang dạy liên trường. Giáo viên mầm non, nhân viên phụ trách thư viện, thiết bị... cũng thiếu. Vì thiếu nhân viên nên các giáo viên kiêm nhiệm các vị trí, ví dụ giáo viên dạy Văn phụ trách thư viện… Do đó, UBND huyện tổ chức lớp đào tạo giáo viên học chứng chỉ, nghiệp vụ thư viện, văn thư để kiêm nhiệm”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Hằng thừa nhận thực trạng giáo viên dạy Văn, Toán còn phải kiêm nhiệm các môn khác, công việc khác sẽ không đảm bảo chuyên môn. Thực trạng này cũng kéo theo việc giáo viên dạy mầm non thiếu nghiêm trọng nhưng không được bổ sung. 

“Giáo viên ở bậc THCS và Tiểu học thừa nên giáo viên mầm non không được tuyển”, bà Hằng chia sẻ.

Giáo viên dạy học ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Còn tại huyện Yên Thành (Nghệ An), bước vào năm học mới 2023 – 2024, tuyển thêm 394 giáo viên ở các cấp học, trong đó, 218 suất mầm non tuy nhiê vẫn thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học.

Ông Nguyễn Trường Giang - cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Yên Thành, cho biết đối với mầm non, hiện nhóm trẻ theo quy định 2,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, huyện mới bố trí được 2 giáo viên/lớp. Đối với mẫu giáo theo Nghị định 06 là 2,2 giáo viên/lớp, nhưng hiện tại mới đạt được 1,49 giáo viên.

Đối với cấp tiểu học có 887 lớp, ngành giáo dục mới tuyển thêm được 41 giáo viên, kèm theo 17 giáo viên phụ trách đội. Nếu phân bổ trên địa bàn đang thiếu 29 giáo viên đứng lớp, còn đối với giáo viên cấp THCS thì đang thiếu cục bộ.

Thiếu giáo viên - câu chuyện không riêng ở Nghệ An

Thông tin từ Sở GD-ĐT Nghệ An, năm học mới này, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức biên chế quy định, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, đề nghị tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định bổ sung 6.624 biên chế giáo viên.

“Do tinh giản biên chế, số lớp và số học sinh tăng nên số giáo viên thiếu so với định mức đã xảy ra nhiều năm qua. Nếu như năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An thiếu 8.000 giáo viên, sau đó Trung ương bổ sung 2.800 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, trước đó đã giảm đi 1.000 giáo viên.

Đến năm 2023, toàn tỉnh thiếu hơn 6.500 giáo viên. Do đó, các trường phải động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng giờ, hợp đồng thỉnh giảng; Hợp đồng ngắn hạn để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn”, đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An chia sẻ.

Trường THCS Nghi Ân, TP Vinh khai giảng năm học mới. Ảnh: An Nhiên

Đây không phải là câu chuyện riêng của Nghệ An. Hầu hết tỉnh, thành thiếu giáo viên. Hai địa phương thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội với số thiếu khoảng 9.000 - 10.000 người. Dù đã tuyển mới được hơn 17.000 người, cả nước vẫn thiếu 118.000 giáo viên, chủ yếu ở mầm non. Số thiếu tăng thêm hơn 11.000 người so với năm ngoái.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói đây là một trong những khó khăn, hạn chế của ngành. Theo Bộ, nguyên nhân chính là số trẻ mầm non tăng, tỷ lệ học hai buổi/ngày của học sinh tiểu học cũng cao hơn trước. Ngoài ra, cả nước có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Trong khi đó, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát và không theo kịp thực tế. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời và thiếu cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên gắn bó với nghề.

Từ nay đến năm 2026, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị phê duyệt gần 66.000 biên chế giáo viên. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tuyển giáo viên theo số biên chế được giao, tham mưu, ban hành chính sách đặc thù của để thầy cô yên tâm công tác.

Trường dừng học môn Tiếng Anh vì giáo viên bị điều chuyển

Ông Phạm Văn Cường - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Tân Hòa (Buôn Đôn), thông tin tuần đầu tiên của năm học mới, nhà trường không tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh vì không có giáo viên.

"Việc trường không tổ chức dạy môn tiếng Anh tuần đầu tiên cho học sinh vì UBND huyện Buôn Đôn vừa luân chuyển giáo viên dạy tiếng Anh của trường đi nơi khác", ông Cường cho hay. Kết thúc năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Lê Lợi đang có 1 biên chế giáo viên dạy tiếng Anh.

Đến ngày 14/8, UBND huyện Buôn Đôn đã luân chuyển công tác đối với bà P.T.H.T. (SN 1990) - cử nhân sư phạm tiếng Anh, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi đến nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ama Trang Lơng (xã Ea Bar) từ ngày 21/8.

Ông Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho rằng việc luân chuyển cô giáo T. đi về Ea Bar là hợp lý. Song song với việc luân chuyển cô T., huyện Buôn Đôn cũng đã có văn bản tiếp nhận một cô giáo dạy tiếng Anh từ huyện Ea Súp về để thay vào vị trí cô T. Tuy nhiên do yếu tố khách quan nên huyện Ea Súp chưa cho cô giáo này đi.

Cũng theo ông Nghĩa, trong chiều 20/9, UBND huyện Buôn Đôn đã ký quyết định đưa 1 cô giáo khác về trường Lê Lợi để thay cô giáo T.

"Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (xã Ea Bar) chỉ có 3 giáo viên dạy tiếng Anh, đang thiếu 1 người. Hơn nữa xã Ea Bar là xã vùng I, lương thấp hơn nhiều so với xã Tân Hòa nên không ai muốn về và khi cô giáo T. có nguyện vọng về Ea Bar để giảng dạy, huyện giải quyết ngay", ông Nghĩa thông tin thêm.