Hình ảnh bên trong một bệnh viện chống Covid-19 tại Italia

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook, Bác sĩ Daniele Macchini đã miêu tả căn bệnh “như một cơn sóng thần ập đến, cuốn phăng tất cả chúng ta”. Ông chia sẻ đầy chân thật về áp lực khủng khiếp mà các nhân viên y tế ở ‘tiền tuyến’ tại Italia đang phải đối mặt, khi nước này đón nhận hơn 10.000 ca nhiễm bệnh và hơn 600 trường hợp tử vong chỉ trong vòng hơn 2 tuần.

{keywords}
Bác sĩ Daniele Macchini làm việc tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở Bergamo

Thông điệp này được chia sẻ trên mạng xã hội ngay trước khi Chính phủ Italia hạ lệnh phong toả toàn bộ đất nước. Macchini hiện làm việc ở bệnh viện Humanitas Gavazzeni tại Bergamo, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Thành phố Bergamo đã ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm Covid-19, theo số liệu từ truyền thông địa phương. “Sau khi suy nghĩ rất lâu liệu có nên viết và nên viết gì về những việc đang xảy ra đối với chúng tôi, tôi cảm thấy im lặng sẽ là một sự vô trách nhiệm”, bác sĩ Macchini viết.

Bác sĩ cho biết ông hiểu việc tránh gây hoảng loạn là cần thiết, nhưng vẫn cảm thấy “thông điệp về mức độ nguy hiểm của những gì đang xảy ra” đang không đến được với người dân Italia.

{keywords}
Bergamo hiện đã ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm bệnh

Macchini nói, ông “rùng mình” trước ý nghĩ rằng nhiều người đang phàn nàn về việc không thể đến phòng tập gym hay đi xem bóng đá. Ông kể về công tác chuẩn bị và sắp xếp lại bệnh viện để lường trước sự lây lan rộng rãi và nhanh chóng của dịch bệnh.

“Tất cả những sự biến đổi nhanh chóng này khiến cho bầu không khí ở các hành lang của bệnh viện trở nên im ắng và trống vắng kỳ lạ, mà ở thời điểm đó chúng tôi vẫn chưa thể hiểu hết. Tất cả chờ đợi một cuộc chiến tranh chưa bắt đầu mà rất nhiều người (trong đó có tôi) không dám nghĩ là nó lại đến một cách tàn bạo như vậy”.

“Tình hình hiện giờ thì không còn từ gì để diễn tả ngoài thảm khốc. Tôi không nghĩ ra từ gì khác. Cuộc chiến tranh đã bùng nổ đúng theo nghĩa đen, và các trận chiến thì ngày đêm không ngơi nghỉ”. “Xin đừng tiếp tục nói đây là một cơn cảm cúm nữa”, ông thỉnh cầu.

“Trong hai năm qua, tôi đã nhận ra một điều rằng người dân Bergamo không phải tự nhiên mà đến phòng cấp cứu. Lần này, họ cũng đã cư xử rất đúng mực. Họ đã làm theo tất cả các chỉ dẫn: một tuần hoặc 10 ngày ở nhà khi bị sốt, không ra đường để tăng nguy cơ lây lan, nhưng rồi đến lúc họ không thể chịu đựng được nữa”.

“Họ không còn có thể tự thở đủ để sống, họ cần oxy”.

{keywords}
Các bác sĩ đang so sánh tình hình hiện tại ở Italia với thời chiến

Một bác sĩ khác cũng đến từ Bergamo, chuyên gia gây mê Christian Salaroli, phát biểu với tờ báo Corriere della Sera của Italia rằng các bác sĩ giờ đây buộc phải lựa chọn người để chữa trị, dựa vào khả năng sống sót của họ. “Chúng tôi không thể cố tạo ra các phép màu. Đây là hiện thực”, bác sĩ Salaroli nói.

Trong tình hình khủng hoảng do virus và quá tải bệnh viện, Hiệp hội chuyên ngành gây mê và chăm sóc tích cực Italia đã công bố 15 khuyến nghị về đạo đức nghề nghiệp để cân nhắc trong các quyết định nhận bệnh nhân vào khoa điều trị tích cực. Các tiêu chí bao gồm tuổi của bệnh nhân và khả năng sống sót, không chỉ theo thứ tự đến bệnh viện trước và sau.

Trong bài viết của mình, bác sĩ Macchini chia sẻ: “Lần lượt, các khoa bệnh trống trơn được lấp đầy với một tốc độ đáng kinh ngạc”. “Các bảng hiển thị tên bệnh nhân, thường có các màu khác nhau tuỳ vào từng khoa bệnh, giờ đây toàn một màu đỏ. Và ở phần chẩn đoán bệnh chỉ có một cụm từ chết tiệt duy nhất: viêm phổi kẽ kép”.

Ông Macchini cũng nhấn mạnh rằng virus không chỉ ảnh hưởng đến người già, mà nhiều người trẻ hơn cuối cùng cũng “phải thở máy trong khoa điều trị tích cực, hay tệ hơn là phải dùng máy tim phổi nhân tạo (ECMO)”.

{keywords}
Các bệnh viện ở vùng Lombardy rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng

Với giọng viết đầy cay đắng, ông chỉ trích những người “trên mạng xã hội, kiêu ngạo khoe rằng mình không sợ virus và ngó lơ các quy định, phàn nàn vì lối sống với các thói quen thường ngày của họ ‘tạm thời’ rơi vào khủng hoảng – trong khi một thảm hoạ dịch tễ học tồi tệ đang diễn ra”.

“Và chúng tôi không còn là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, hay bác sĩ chấn thương chỉnh hình nữa – chúng tôi chỉ còn là bác sĩ, những người bỗng nhiên trở thành các thành viên trong một đội ngũ duy nhất đối mặt với cơn sóng thần đã cuốn phăng tất cả chúng ta”.

“Số ca nhiễm nhân gấp bội, chúng tôi có 15-20 ca nhập viện mỗi ngày, đều với chung một nguyên nhân. Kết quả từ bông quẹt xét nghiệm giờ đây cứ lần lượt: dương tính, dương tính, dương tính”. “Phòng cấp cứu bỗng nhiên sụp đổ”.

Anh Thư