Báo chí đi đầu trong công tác truyền thông chính sách

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết: Hoạt động truyền thông chính sách trên địa bàn thành phố Hải Phòng được triển khai qua nhiều kênh như: Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ thống thông tin ở cơ sở, qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông); qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua xuất bản phẩm của các cơ quan, đơn vị...

Trong đó, hệ thống các Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin nguồn, đăng tải dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân; còn các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, tạo sự quan tâm tham gia của nhân dân đối với các quy trình soạn thảo, quyết định chính sách qua đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo được quyền tham gia của người dân về những quyết sách quan trọng của đất nước, đồng thời nâng cao được chất lượng, tính khả thi của văn bản khi ban hành.

Thành phố Hải Phòng hiện có 54 cơ quan báo chí với đầy đủ các loại hình, trong đó có 4 cơ quan báo chí của thành phố, 2 cơ quan báo chí của lực lượng vũ trang và 48 cơ quan đại diện, thường trú của các báo Trung ương và địa phương khác.

“Thành phố luôn coi báo chí là “người bạn đồng hành”, là “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng”, là một lực lượng quan trọng, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và cơ chế, chính sách của thành phố, là “cầu nối thông tin” giữa người dân với chính quyền thành phố”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Hàng năm, thành phố Hải Phòng xây dựng kế hoạch hợp tác truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí; tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thành phố để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng xã hội.

Các bài viết phân tích đánh giá chuyên sâu, mang tính phản biện của các cơ quan báo chí là kênh thông tin quan trọng giúp thành phố kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chủ trương hợp với lòng dân.

anh 1.jpg
Báo chí là kênh thông tin quan trọng giúp thành phố kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chủ trương hợp với lòng dân. Ảnh; B.M

Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan nhà nước với báo chí

Là một trong những tờ báo Đảng địa phương lớn của cả nước, những năm qua, Báo Hải Phòng luôn tích cực triển khai công tác truyền thông chính sách. 

“Mỗi năm, các ấn phẩm Báo Hải Phòng hàng ngày, Báo Hải Phòng điện tử, Báo Hải Phòng cuối tuần... đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản chỉ đạo của chính quyền thành phố để người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng và nắm bắt kịp thời. Những bài viết được khách quan, trung thực trên các ấn phẩm Báo Hải Phòng còn kịp thời đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu xuyên tạc, thù địch”, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng cho biết.

Để phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong bối cảnh mới, tăng cường hiệu quả công tác truyền thông chính sách của báo chí, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng đề xuất thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp.

Đáng chú ý, cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương để định hướng thông tin truyền thông chính sách của toàn bộ các cơ quan báo chí trên cả nước được bảo đảm xuyên suốt, thống nhất, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ về chính sách theo tinh thần Chỉ thị 7/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường truyền thông chính sách.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế phối hợp tích cực, chặt chẽ với cơ quan báo chí hơn nữa. Nếu cơ chế phối hợp này được thực hiện tốt sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Bởi trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và công nghệ thông tin như hiện nay, trước một vấn đề xảy ra, nguồn thông tin chính thống từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách được truyền tải trên báo chí là nguồn thông tin tin cậy, bảo đảm, được công chúng quan tâm, đón đợi để định hướng dư luận.

“Khi các cơ quan quản lý nhà nước tích cực cung cấp thông tin chủ động, đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí sẽ giúp chính sách được lan tỏa sâu rộng, giảm thiểu rủi ro, tránh khủng hoảng truyền thông đáng tiếc có thể xảy ra. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, địa phương cần phân công cán bộ phụ trách truyền thông chính sách để giúp việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí được kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí những chính sách mới để được tuyên truyền kịp thời, hiệu quả”, ông Ánh khuyến nghị.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV