Đây là thông tin được bà Lê Thị Lan Phương, Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Sự kiện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tổ chức vào sáng 10/11.

Hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ban ngành, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, Liên hợp quốc, Đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu đã cùng chung tay cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới tại buổi lễ phát động. 

anh chup man hinh 2023 11 10 luc 133546.png
Các bên tham gia ký kết nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (Ảnh: N. Huyền)

Theo bà Lan Phương, nhiều người nghĩ là bình đẳng giới là vấn đề của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ và mọi thứ tập trung cho nữ giới nhưng nếu nam giới và những giới khác không tham gia thì vấn đề bình đẳng giới sẽ không được giải quyết.

“Chúng tôi đang hướng tới việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò của nam giới trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng nhưng không thể làm một mình, chúng ta phải làm cùng nhau.

Để chấm dứt được bạo lực chúng ta phải vừa phòng ngừa vừa ứng phó. Chúng ta hay dùng từ phòng chống nhưng từ đó chưa đủ, phải dùng đúng từ là phòng ngừa và ứng phó”, bà Lan Phương nhấn mạnh. 

Những năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tác động này nghiêm trọng hơn với nhóm đối tượng yếu thế trong đó có phụ nữ và trẻ em. Những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống đã khiến các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng trong thời gian diễn ra đại dịch, đe dọa các thành tựu về công tác bình đẳng giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

anh 1 ong dao ngoc dung uy vien ban chap hanh trung uong dang bo truong bo lao dong thuong binh va xa hoi chu tich uy ban quoc gia vi su tien bo cua phu nu viet nam len phat.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ phát động 

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định những cam kết của Việt Nam trong đảm bảo bình đẳng giới nói chung, tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ nói riêng và nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về bình đẳng giới: Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh luật pháp, chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị và mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và mỗi người dân chúng ta cùng cam kết, tham gia và có các hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả đối với công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

“Một thế giới hòa bình, không có bạo lực, dịch bệnh, đói nghèo, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tràn ngập tình nhân ái là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay vun đắp với sự hiểu biết, trách nhiệm và tình yêu thương.

Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, nam giới cũng cần xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.