Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới

Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới nói chung và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan không ngừng quan tâm và cam kết thực hiện thông qua các giải pháp về mặt thể chế, chính sách, truyền thông, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan đối với công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới còn được thể hiện thông qua các cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các khía cạnh khác nhau của bạo lực trên cơ sở giới như: Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao; Quy chế phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an...

minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại "Hội thảo truyền thông vận động xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" hôm 3/11, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn khá phổ biến. Điều đáng quan tâm là, phần lớn phụ nữ bị bạo lực vẫn chưa tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức hoặc từ chính quyền địa phương.

Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực và kỹ năng của cán bộ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn chưa thống nhất, đồng bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác hỗ trợ cho người bị bạo lực và tạo tâm lý e ngại cho người dân khi cần hỗ trợ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định cần thiết phải mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực, đặc biệt, cần có sự vào cuộc, kết nối, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan ở cấp trung ương cũng như địa phương.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra khắp nơi: gia đình, trường học, nơi làm việc, công viên, phương tiện giao thông công cộng, sân thể thao, và ngày càng phổ biến hơn trên không gian mạng.

Tính trên phạm vi toàn cầu, chỉ trong năm vừa qua, cứ 5 phụ nữ thì có gần 1 người từng bị bạo lực thể chất hoặc tình dục bởi bạn tình hiện tại hoặc trong quá khứ. 85% phụ nữ trên thế giới cho biết họ từng chứng kiến bạo lực trên không gian mạng, gần 40% trong số họ chính là người bị bạo lực, và vấn đề này vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua nhiều khuôn khổ chính sách và pháp lý khác nhau. Việc phê chuẩn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 chính là quyết tâm chính trị cao nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm loại bỏ bạo lực giới.

Cần một quy chế phối hợp liên ngành để hỗ trợ, phòng ngừa

Trao đổi về vấn đề hỗ trợ, phòng ngừa, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson cho rằng, để có thể đảm bảo việc hỗ trợ kịp thời, lấy người bị bạo lực làm trung tâm cần phải có một quy chế phối hợp liên ngành và tiếp tục đầu tư để nhân rộng mô hình này.

Theo ông Matt Jackson, để có thể bảo đảm hỗ trợ kịp thời, lấy người bị bạo lực làm trung tâm, phải có quy chế phối hợp liên ngành và tiếp tục đầu tư để nhân rộng mô hình. “UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia và cấp địa phương, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và để không ai bị bỏ lại phía sau. 

Quy chế phối hợp liên ngành sẽ bảo đảm nỗ lực phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được toàn diện và xuyên suốt và người bị bạo lực trên cơ sở giới có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời và có chất lượng cho dù họ sống ở bất cứ đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Kim Dung