Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất.

Theo đó, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2 - cao hơn so với mức 30m2 đang được thành phố áp dụng.

Tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2, các xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự thảo bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất. Ngoài tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, quy định theo hướng siết chặt điều kiện tách thửa, nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn sẽ giúp phát triển bền vững đô thị và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tránh gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tạo cơ chế ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm. 

Nhìn nhận từ thị trường, ông Minh Đông, giám đốc một sàn bất động sản tại quận Tây Hồ cho biết, những lô đất rộng 30-40m2 luôn có thanh khoản tốt, các giao dịch chủ yếu đến từ người mua có nhu cầu ở thực vì vừa tầm tiền, có thể xây nhiều tầng tăng diện tích sử dụng.

dat nen phan lo vietnamnet.jpg
Hà Nội lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất. Ảnh: Hồng Khanh

Theo ông Đông, đất của người dân tách thửa cũng là một loại đất nền. Thực tế, nhiều lô đất 90-150m2 được nhà đầu tư tách thửa, chia nhiều lô nhỏ bán trên thị trường thời gian qua đều rất “đắt khách”. 

“Tuy nhiên, khi diện tích tách thửa tối thiểu được nâng lên, lô đất 99m2 cũng sẽ không đủ điều kiện để tách thành 2 lô. Nhà đầu tư sẽ phải mua các mảnh đất đủ lớn, nguồn vốn đầu tư cũng phải lớn hơn”, ông Đông phân tích.   

Theo một lãnh đạo công ty bất động sản tại Hà Nội, Luật Đất đai 2024 quy định nhiều điều kiện tách thửa, cùng với quy định siết chặt phân lô bán nền tại đô thị loại đặc biệt và loại I, II, III từ ngày 1/8 có thể làm hạn chế nguồn cung trên thị trường, kéo theo đất phân lô, tách thửa đang có sẵn cũng bị đẩy lên cao hơn.

Bên cạnh đó, ghi nhận trên thị trường, giá bất động sản Hà Nội thời gian qua đã tăng mạnh và neo cao, đề xuất nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn cũng có thể tạo áp lực lớn cho người dân có nhu cầu về nhà đất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của nhiều gia đình. 

Chuyên gia bất động sản cho rằng, quy định mới cần cân bằng giữa việc đảm bảo nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân và tránh tình trạng lạm dụng, biến tướng, phá vỡ quy hoạch đô thị. Vì vậy, đề xuất nâng diện tích tách thửa tối thiểu cần khảo sát kỹ ý kiến người dân, nhất là nhóm ở khu vực các phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

“Hàng rào kỹ thuật” cần thiết

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, khi đánh giá về một chính sách thì cần phải nhìn nhận trên nhiều khía cạnh, bao gồm tính hợp pháp và tính hợp lý. 

“Về tính hợp pháp, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất là thực hiện đúng thẩm quyền được giao tại Điều 220 Luật Đất đai 2024”, ông Đỉnh nói.

Phân tích về tính hợp lý, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang xây dựng, thực thi các chính sách nhất quán nhằm giảm thiểu sự gia tăng dân số cơ học, đặc biệt tại khu vực nội đô, nhằm đảm bảo chất lượng sống và duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô. 

“Trước đó, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10 năm 2023 về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú. Với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ thì diện tích nhà ở phải đạt tối thiểu 15m2/sàn/người với khu vực nội thành, 8m2/sàn/người với khu vực ngoại thành.

Việc nâng cao diện tích tối thiểu được tách thửa cũng có ý nghĩa tương tự, giúp hạn chế sự bùng phát dân số. Nếu không kiểm soát được dân số thì sẽ dẫn đến quá tải hạ tầng. Việc thành phố đặt ra các “hàng rào kỹ thuật” để kiểm soát gia tăng dân số là cần thiết và trong thẩm quyền”, ông Đỉnh nêu ý kiến.