Về hưởng chế độ mất sức từ năm 1992, đến nay sau nhiều lần điều chỉnh tăng lương, bà Lê Thị Thu (65 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận mức lương chỉ hơn 1,9 triệu đồng/tháng. Dù sống nhờ các con, nhưng bà Thu cho biết, mức lương này quá thấp, bà không thể sống được ở Hà Nội với mức chi tiêu đắt đỏ.
Bà Thu chia sẻ, dù rất tiết kiệm, nhưng do giá cả leo thang hàng ngày nên bản thân bà phải chi tiêu rất dè dặt. Nếu không có các con hỗ trợ thì mức lương này không đủ sống.
“Già rồi nhu cầu ăn uống không nhiều, nhưng mua sắm dụng cụ cá nhân và các khoản chi tiêu vặt thường ngày cũng rất tốn kém. Đó là chưa kể chuyện chi phí thăm hỏi họ hàng hay đi tàu xe về quê không thể trông chờ vào lương hưu”, bà Thu nói.
Ông Vũ Văn Thông (67 tuổi, ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá) cho biết, ông về hưu từ năm 1993 theo diện mất sức lao động. Sau các lần điều chỉnh, đến tháng 7/2023 lương hưu của ông được điều chỉnh lên hơn 3 triệu đồng/tháng.
Theo ông Thông, mức lương này sống ở quê dù ông hạn chế chi tiêu nhưng cuộc sống rất chật vật. Giá cả tiêu dùng luôn biến động tăng cao, đình đám thường xuyên nên dù đã nghỉ hưu ông phải làm ruộng và chăn nuôi lợn để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.
“Lương chưa tăng giá cả đã tăng trước, tôi mong nhà nước điều chỉnh mức tăng phù hợp đảm bảo mức sống tối thiểu. Còn nếu tăng lương không bù nổi trượt giá thì cuộc sống của chúng tôi còn khó khăn hơn”, ông Thông nói.
Phần lớn nhóm đối tượng này nghỉ hưu sớm trước tuổi, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Vì vậy, họ mong mỏi mức lương hưu tiếp tục được quan tâm cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa những người đang hưởng lương hưu.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45%, cao nhất là 75% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH có mức bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, một bộ phận người về hưu trước năm 1995 như kể trên, có mức lương hưu dưới 4,7 triệu đồng/người/tháng là thấp so với mức bình quân chung nên rất cần được quan tâm, xây dựng chính sách phù hợp.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ thực tiễn thực hiện chính sách BHXH đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này tương đối thấp.
Quá trình thực hiện các chính sách cải cách tiền lương, cải cách BHXH từ trước đến nay, các cơ quan chức năng luôn nhấn mạnh quan điểm “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Do đó, trong ba nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐ-TB&XH đều kiến nghị tăng với mức hợp lý nhằm giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Trong đó, nhóm người nghỉ hưu trước năm 1995 cần được hưởng chính sách đặc biệt để nâng mức hưởng lương hưu lên cao hơn nữa.
Trong khi các cơ quan liên ngành đang trao đổi về mức tăng lương hưu hợp lý trong khả năng cân đối ngân sách trước khi trình Chính phủ quyết định, nhiều người về hưu trước năm 1995 đều mong muốn mức tăng bảo đảm tiệm cận với mức tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sinh hoạt.