Phổ Yên đã làm gì và có gì để đạt được kết quả này? VietNamNet phỏng vấn Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên Bùi Văn Lương.

Thành phố điều hành và quản lý thông minh năm 2022

Phổ Yên vừa nhận giải thưởng “Thành phố điều hành và quản lý thông minh”. Ông có thể nói rõ hơn về những gì Phổ Yên đã làm để có thể đạt được giải thưởng này?

Ngày 1/12/2022 vừa qua, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức trao giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam" sau 4 tháng phát động. Phổ Yên là một trong 3 thành phố trong cả nước được trao giải nhất về "Thành phố điều hành và quản lý thông minh Việt Nam năm 2022".

Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tham gia giải thưởng này và được Hội đồng giải thưởng đánh giá cao. Trong đó, nổi bật là giải pháp Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Phổ Yên được nhấn nút hoạt động vào cuối năm 2021.

Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) Bùi Văn Lương.

Hệ thống này cập nhật thông tin và giám sát 12 lĩnh vực: Chỉ tiêu kinh tế - xã hội; dịch vụ hành chính công; văn bản điện tử; y tế; giáo dục; thông tin mạng xã hội; phản ánh hiện trường; camera an ninh và giao thông; du lịch thông minh; quản lý cây xanh; cổng thông tin điện tử, nhà văn hóa số.

Hệ thống điều hành có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống. Từ đó cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động diễn ra trên địa bàn. 

Đặc biệt, công nghệ được áp dụng trong hệ thống cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ công tác ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, điều hành của các cấp chính quyền.

Đây có phải là những kết quả nổi bật từ việc thành phố thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng một chính quyền số, thưa ông?

Đúng như vậy. Dưới sự quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải, Thái Nguyên là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết 01/2020 chuyên đề về chuyển đổi số, Phổ Yên đã triển khai hết sức bài bản.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã đạt rất nhiều kết quả tích cực từ công tác chuyển đổi số, trong đó phải kể đến những thành tựu trong xây dựng chính quyền số.

Từ việc điều hành truyền thống thông qua giấy tờ, bây giờ chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, chính quyền ở hầu hết các địa bàn của thành phố. Ví dụ như liên quan đến phòng họp không giấy, đến nay hầu hết các cuộc họp của chúng tôi đều trực tuyến, xử lý các văn bản không còn thực hiện thủ công mà đa số làm trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) giúp chúng tôi điều hành và quản lý hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Nhờ đó việc giải quyết thủ tục hành chính được áp dụng 100% ở mức độ 4 (các thủ tục hành chính được thực hiện gần như hoàn toàn trên môi trường mạng và trả kết quả trực tuyến), giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, đem lại sự hài lòng, vui vẻ cho người dân.

Ngoài ra, chúng tôi còn ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tiếp dân. Từ cách làm của tỉnh, chúng tôi học hỏi và thực hiện kết hợp giữa chuyển đổi số và thực tế. 

Có nhiều sự việc người dân phản ảnh khi nghe rất trừu tượng, khó hiểu với tập hồ sơ rất dày, rất khó nắm bắt hết được. Nhưng khi gắn với chuyển đổi số, những thông tin từ hồ sơ đến hiện trường của vụ việc được mô phỏng bằng hình ảnh, tư liệu, phóng sự được trình chiếu tại buổi tiếp dân để lãnh đạo và các bên cùng xem. 

Từ đó các bên đều hiểu nhau hơn để có hướng tháo gỡ. Mỗi tháng tôi tiếp dân đều đặn 3 đến 4 lần và đều đạt hiệu quả rất cao nhờ cách làm này. 100% vụ việc tiếp dân đều có đầu ra rõ ràng. Nhiều vụ việc tồn tại kéo dài cũng giải quyết được.

Những con số ấn tượng

Vậy còn với kinh tế số, xã hội số được Phổ Yên thực hiện ra sao?

Phải nói kinh tế số đóng góp vào sự phát triển của thành phố rất mạnh mẽ thông qua hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đầu tư tại Phổ Yên đều là những doanh nghiệp công nghệ cao và đều gắn với chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh.

Trong đó phải kể đến Samsung và các đơn vị phụ trợ của doanh nghiệp này; hay như các công ty của Nhật tại Phổ Yên đều áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất rất tốt. Từ đó góp phần vào kinh tế số của thành phố phát triển rất mạnh mẽ.

Ngoài ra trong nông nghiệp, chúng tôi cũng áp dụng chuyển đổi số từ sản xuất đến lúc quảng bá, tiêu thụ đều đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa đầy đủ. Đấy chính là áp dụng chuyển đổi số để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Còn về xã hội số, phải nói là người dân Phổ Yên tham gia rất mạnh mẽ. Chuyển đổi số gắn với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Đồng thời chuyển đổi số cũng giúp người dân tương tác với các cấp ủy, chính quyền ở địa phương. 

Song song với Trung tâm IOC, Phổ Yên còn triển khai ứng dụng di động “Phổ Yên Smart City” để tăng cường tương tác, tạo sự gần gũi giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền và ngược lại. Cấp ủy, chính quyền thông qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có sự điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo điều hành và đưa ra những chính sách sát với thực tiễn, đem lại lợi ích tốt đẹp nhất cho người dân.

Ngoài ra, chúng tôi còn lắp hệ thống camera giám sát ngoài hiện trường, các KCN, nhà máy, xí nghiệp, đường phố, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng như kiểm soát vấn đề môi trường, trật tự an toàn xã hội... mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Nếu đong đếm "ra tiền ra gạo" thì chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích bằng những con số cụ thể nào cho Phổ Yên?

Phải khẳng định những gì chuyển đổi số mang lại cho Phổ Yên rất thiết thực chứ không phải cái gì xa vời, trừu tượng, khó hiểu. Đó cũng chính là công việc hàng ngày của chúng tôi và người dân.

Rõ nhất là tốc độ tăng trưởng GDP của Phổ Yên năm 2022 đạt trên 20%. Thực tế rất ít địa phương đạt được tốc độ tăng trưởng trên.   

Tổng cục thống kê cũng vừa công bố GDP bình quân đầu người toàn quốc ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Với Thái Nguyên con số này gần 5.000 USD, còn riêng Phổ Yên đạt trên 300 triệu đồng/người (tương đương 12.000 USD).

Còn thực thu của người dân, không tính các hoạt động công nghiệp, xuất nhập khẩu thì khoảng 80 triệu đồng/người/năm (hơn 6,6 triệu đồng/người/tháng); trong khi cả nước đạt khoảng 4,6 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt là hoạt động công nghiệp, xuất khẩu, Phổ Yên đóng góp rất mạnh với gần 31 tỉ USD trên tổng 32 tỉ USD của toàn tỉnh. 

Trong khi cả nước đang phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP thì thực chất ở Phổ Yên hiện nay đã đạt và vượt con số này, kinh tế số của Phổ Yên chiếm tỉ trọng rất lớn và trở thành thành phố công nghiệp, công nghệ cao, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên (chiếm 92% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh).

Tăng trưởng vượt bậc của thành phố cũng như những kết quả kể trên có đóng góp không nhỏ từ kinh tế số mang lại. 

Bản thân ông gánh vác hai vai, vừa là Bí thư đồng thời là Chủ tịch thành phố thì chuyển đổi số nói chung và trung tâm điều hành thông minh nói riêng giúp ông thúc đẩy công việc như thế nào?

Trước đây chưa có chuyển đổi số, hệ thống công nghệ chưa phát triển thì tôi cứ phải lên cơ quan, ngồi vào bàn mới làm việc và xử lý được. Còn bây giờ thì ở đâu tôi cũng có thể xử lý được công việc. Đang trên đường đi công tác hoặc lên tỉnh họp, có hồ sơ giấy tờ gì anh em gửi, tôi vẫn có thể mở điện thoại ra xem để xử lý. 

Thông qua chuyển đổi số, tôi cũng cập nhật thông tin, tiếp nhận các phản ánh đa chiều hơn, nhanh hơn, nhiều hơn từ người dân. Ngược lại, người dân cũng có thêm nhiều kênh để truyền tải thông tin đến lãnh đạo, chính quyền thành phố nhanh hơn mà không phải đăng ký lịch hay làm đơn như trước đây. 

Từ đó, giúp cho công tác điều hành tốt hơn, hiệu quả hơn và cũng làm cho người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.

Nói chung là rất tiện lợi. Hiệu quả thì tôi chưa tính toán ra con số cụ thể nhưng rõ ràng, từ khi áp dụng chuyển đổi số, năng suất làm việc của một người tăng rất nhiều so với trước đây.