Chiều 20/4, TS. Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (C09 - Bộ Công an), ĐBQH tỉnh Quảng Bình chủ trì hội nghị tiếp xúc giữa ĐBQH nơi công tác trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam cho biết, hội nghị nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cử tri nơi công tác và cán bộ lực lượng kỹ thuật hình sự công an các địa phương về nội dung của kỳ họp 5 tới đây của Quốc hội. Trong đó trọng tâm là 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội cho ý kiến.
Đó là dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Căn Cước công dân sửa đổi.
“Các dự luật này đều rất quan trọng, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, được dư luận và Nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là trong lực lượng CAND như Luật Căn Cước công dân sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân ”, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự nhấn mạnh.
Có thể kéo dài tuổi phục vụ đến 62
Đại tá Lê Xuân Cường – Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Khoa học hình sự giới thiệu những nội dung cơ bản của 5 dự luật để cử tri hiểu đúng hơn về tầm quan trọng và sự cần thiết cần ban hành các luật này đối với đời sống xã hội và trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đi vào nội dung cụ thể của dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, ông Cường cho biết, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, luật hiện hành đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập.
Chẳng hạn như quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan CAND chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật Lao động.
Vì vậy dự luật sửa đổi, bổ sung quy định về “hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan CAND”. Hầu hết các trường hợp đều được đề xuất nâng 2 tuổi: CAND với nam 62, nữ 60; hạ sĩ quan là 47; cấp úy 55; thiếu tá, trung tá với am 57, nữ 55; thượng tá với nam 60, nữ 58 (nâng 3 tuổi); đại tá với nam là 62, nữ 60 (nâng 5 tuổi); cấp tướng với nam 62; nữ 60 (giữ nguyên).
Lộ trình tăng hạn tuổi mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi luật này có hiệu lực thi hành. Chính phủ sẽ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan cấp úy, thiếu tá, trung tá, thượng tá nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 tuổi đối với nam và 60 đối với nữ.
Trường hợp đặc biệt có thể được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, dự luật cũng quy định sĩ quan CAND là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tiễn phòng chống tội phạm hiện nay đặt ra yêu cầu cần nhiều cán bộ có thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, năng lực chuyên môn giỏi để chỉ đạo chỉ huy điều tra phá án, đào tạo nguồn lực. Vì vậy, việc luật điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chính là để tận dụng nguồn cán bộ có năng lực và kinh nghiệm.
Thực tế là có nhiều cán bộ, chiến sĩ từng là chỉ huy, có học hàm, học vị sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục ở lại công tác với vị trí chuyên viên đã có những đóng góp rất quan trọng, đặc biệt là những vụ việc khó.
Thượng tá Phạm Hữu Từ Tâm - Phó Viện trưởng Phân viện Khoa học Hình sự tại TP.HCM (C09B) cho rằng, hiện nay chất lượng cuộc sống được nâng cao, tuổi thọ trung bình của Việt Nam nâng lên 73 nên tuổi 50, 60 của cán bộ chiến sĩ vẫn đảm bảo sức khỏe phục vụ cho ngành. Họ là những người đã có kinh nghiệm, sở trường công tác, gia đình ổn định nên việc tăng tuổi cao nhất phục vụ của CAND, hạ sĩ quan, sĩ quan CAND là phù hợp.
Đại tá, PGS.TS Vũ Công Sáu – Phó trưởng phòng 4 (C09) cũng cho biết, qua nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đều đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật quy định.
Việc sửa luật là rất kịp thời, rất cần thiết, thích ứng với thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, ông mong các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa luật Công an Nhân dân trong năm 2023.
Luật đảm bảo chất lượng thì mới trình
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với quan điểm linh hoạt, uyển chuyển, chủ động rất cao trong hoạt động lập pháp với phương châm "tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm từ xa".
Vì vậy tất cả các dự án luật phải chuẩn bị từ sớm, từ trước, phải đảm bảo đủ các điều kiện, hồ sơ đảm bảo chất lượng theo đúng quy trình thì mới trình. Nếu hồ sơ không đảm bảo, chất lượng dự thảo chưa tốt thì cũng chưa trình lên Quốc hội.
Ngoài các yêu cầu pháp lý, Quốc hội cũng căn cứ vào đòi hỏi của thực tiễn để đề xuất kiến nghị trong hoạt động lập pháp.
Bà Xuân cũng phân tích thêm lý do vì sao Bộ Công an trình nhiều dự án luật trong cùng một thời điểm.
Đó là vì có những luật đã có trong chương trình, kế hoạch của Quốc hội nhưng cũng có luật xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Đây là những vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, Thủ tướng rất quyết liệt, đặc biệt là Bộ trưởng Công an luôn nhấn mạnh yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải sửa một số vấn đề liên quan đến các luật này để phục vụ cho việc thu hút khách du lịch, tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam và tạo điều kiện hơn nữa cho chính công dân Việt Nam.
Kết thúc hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam tiếp thu các ý kiến góp ý của cử tri để tập hợp, báo cáo Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình truyền tải đến Quốc hội.