Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Nhận thức được những tiện ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại cũng như những vướng mắc trong triển khai thực tế tại các nhà trường, ngoài tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hải Phòng đã tổ chức hội thảo thanh toán không dùng tiền mặt tới tất cả các trường trên địa bàn.

thanh-toan.png
Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho nhà trường và phụ huynh học sinh. 

Tại hội thảo, các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, giới thiệu các giải pháp, tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt để các trường tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn triển khai dịch vụ phù hợp thực tế.

Cùng với đó, để tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động về thanh toán không dùng tiền mặt tới cha mẹ học sinh, các trường đều tích cực xây dựng kế hoạch, lộ trình và kiên trì thực hiện.

Tại Trường Trung học cơ sở Đông Hải (quận Hải An), để có kết quả 100% số cha mẹ học sinh thanh toán điện tử như hiện nay, nhà trường cần tới gần 2 năm kiên trì tuyên truyền, vận động theo lộ trình từng bước. Nhà trường quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, nên nhiều gia đình bắt đầu làm theo. Sau đó, trường triển khai đồng bộ tới toàn thể cha mẹ học sinh, phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ cử cán bộ kỹ thuật đến từng lớp hướng dẫn, cài đặt app thanh toán. Trường hợp vắng mặt, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn và cài đặt hộ.

Kiên trì cũng là "bí kíp" mà giáo viên Trường Tiểu học Đông Hải 1 (quận Hải An) đã nỗ lực, vượt qua khó khăn ban đầu để hoàn thành mục tiêu 100% số cha mẹ học sinh thanh toán trực tuyến. Nhà trường yêu cầu giáo viên vừa tăng cường tuyên truyền, vừa phối hợp ngân hàng mở tài khoản và đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian hỗ trợ cha mẹ học sinh lập, cài đặt tài khoản, nhớ mã học sinh và hướng dẫn thao tác chuyển khoản.

Nhiều cha mẹ học sinh là lao động tự do nên chưa lập tài khoản ngân hàng, hoặc không có thu nhập ổn định qua tài khoản, nhiều người không sử dụng thành thạo công nghệ trực tuyến. Do vậy, không chỉ tranh thủ gặp trực tiếp, các cô giáo còn thường xuyên nhắn tin, gửi video clip hướng dẫn vào nhóm lớp. Bất kể lúc nào cha mẹ học sinh có yêu cầu, cô đều sẵn sàng giải đáp...

Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động.

Ngoài ra, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV