Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn đã tham dự Đại hội lần thứ X của Đảng Cách mạng (CCM) cầm quyền tại Dodoma, thủ đô Tanzania từ ngày 6-9/12.

VietNamNet phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Diệp, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi, Ban Đối ngoại Trung ương về ý nghĩa, kết quả chuyến công tác.

Xin ông cho biết mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với chính đảng các nước châu Phi thời gian qua, trong đó có Việt Nam - Tanzania? Những định hướng để quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và các nước châu Phi phát triển hơn nữa?

Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với các chính đảng các nước châu Phi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, phong trào đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới lên mạnh. Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “hình mẫu”, biểu tượng cổ vũ cho nhiều quốc gia châu Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc.

Hai bên tích cực hỗ trợ lẫn nhau chống chính sách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ độc lập, tự do, vì các quyền cơ bản của con người, thúc đẩy trật tự quốc tế mới trên cơ sở tôn trọng chủ quyền dân tộc. Các chính đảng tại các nước châu Phi đã ủng hộ, cổ vũ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cũng như trong sự nghiệp Đổi mới.

Việt Nam và Tanzania có quan hệ đoàn kết, hữu nghị, truyền thống, dựa trên nền tảng vững chắc do Tổng thống đầu tiên của Tanzania, lãnh tụ Julius Nyerere và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo hai nước vun đắp. 

Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cách mạng Tanzania CCM phát triển tốt đẹp trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại, nông nghiệp, tạo điều kiện tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tanzania Stergomena Lawrence.

Thời gian qua, triển khai Chỉ thị số 32 CT/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả đối ngoại Đảng trong tình hình mới”, chúng ta đã linh hoạt, chủ động củng cố, thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ với các đảng bạn bè truyền thống khu vực châu Phi, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực.

Hai bên thúc đẩy các hoạt động hợp tác như trao đổi đoàn các cấp, trao đổi thư, điện nhân các dịp quan trọng của nhau, trao đổi thông tin về các vấn đề cùng quan tâm, kinh nghiệm tổ chức và xây dựng Đảng, quản lý và phát triển đất nước, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ.

Đảng ta đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) và Đảng Phong trào Giải phóng Mozambique (FRELIMO) cầm quyền.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng ta tổ chức thành công cuộc hội đàm trực tuyến đầu tiên giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Đảng FRELIMO, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi ngày 6/6/2022, định hướng quan trọng cho quan hệ Việt Nam - Mozambique nói riêng và quan hệ giữa Việt Nam và Châu Phi nói chung. 

Về thời gian tới, bám sát những chủ trương, định hướng đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 13, Chỉ thị số 32 CT/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị, chúng ta tiếp tục thúc đẩy các biện pháp đưa quan hệ với khu vực châu Phi đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, góp phần bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, nâng cao hình ảnh, vị thế trên trường quốc tế.

Lần đầu tiên Đảng ta cử đoàn đại biểu do Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn tham dự Đại hội lần thứ X của Đảng CCM Tanzania, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Việc Đảng ta lần đầu tiên cử đoàn đại biểu do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu dự Đại hội lần thứ X của Đảng CCM cầm quyền, thăm và làm việc tại Tanzania có ý nghĩa rất quan trọng. 

Thứ nhất, chuyến thăm đã tạo đột phá trong quan hệ giữa Đảng ta và Đảng CCM, góp phần gia tăng tin cậy chính trị giữa hai Đảng, đưa hợp tác kênh Đảng đóng vai trò định hướng quan trọng cho quan hệ hai bên.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Tanzania đánh giá rất cao ý nghĩa chuyến thăm, bày tỏ coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ thực chất giữa hai Đảng, hai nước, mong muốn học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển đảng, đào tạo cán bộ, quản lý và xây dựng đất nước, kinh nghiệm Đổi mới của ta.

Thứ hai, chuyến thăm góp phần giải quyết hiệu quả những vướng mắc hiện nay trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Tanzania, cũng như trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước, mở ra cơ hội mới cho hợp tác trong các lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp.

Thứ ba, việc đoàn đại biểu Đảng ta lần đầu tiên tham dự Đại hội X của Đảng CCM, có bài phát biểu tại phiên toàn thể khai mạc Đại hội được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, cùng với những hoạt động gặp gỡ, trao đổi với các đoàn quốc tế tham dự Đại hội còn giúp nước bạn hiểu thêm về tình hình phát triển KT-XH, đường lối đối ngoại, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Đảng, Nhà nước ta tại khu vực.

Ông có thể cho biết thêm về tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian tới trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân?

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống, có chung quan điểm và lợi ích trên nhiều lĩnh vực, cùng với việc các nước khu vực coi trọng vai trò của Việt Nam, coi Việt Nam là một cầu nối quan trọng trong quan hệ với ASEAN, Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi trong thời gian tới còn rất lớn.

Trên lĩnh vực chính trị, đối ngoại, hai bên có thể tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; thiết lập cơ chế tham khảo chính trị; chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm, kinh nghiệm đổi mới, phát triển; tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương; thúc đẩy giao lưu nhân dân. 

Trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong bối cảnh nhiều quốc gia khu vực châu Phi đẩy mạnh chiến lược hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, nhờ lợi thế về quy mô thị trường và cơ cấu xuất nhập khẩu cơ bản bổ sung cho nhau, hai bên có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế thương mại. 

Về xuất khẩu, thị trường tiêu thụ hàng hóa châu Phi có tiêu chuẩn phù hợp với khả năng của ta, nhất là hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng, với các mặt hàng như gạo, cà phê, hạt tiêu, thiết bị di động và linh kiện điện tử, dụng cụ phụ tùng, các sản phẩm dệt may… 

Về nhập khẩu, châu Phi có nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú, nhất là về tài nguyên thiên nhiên (gỗ, bông, kim loại), nông sản (hạt điều thô)… phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, công nghiệp chế biến của ta. 

Halotel - mạng di động do Viettel đầu tư đã phủ sóng dịch vụ viễn thông đến tận các thôn, bản của Tanzania. Ảnh: QĐND

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm có được trong hoạt động đầu tư của một số doanh nghiệp như Viettel góp phần quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp khác mở rộng đầu tư, kinh doanh tại khu vực, nhất là trên các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, viễn thông, nông nghiệp, khai khoáng…

Trên lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục, dư địa, tiềm năng hợp tác còn lớn do hai bên có nhu cầu tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về tập quán, văn hóa, du lịch, giáo dục, lịch sử, con người của nhau; tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và châu Phi.

Các nước châu Phi là một trong những thị trường có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư. Đặc biệt, trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Viettel được lãnh đạo, nhân dân các nước châu Phi chào đón, ủng hộ. Trong chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Đảng ta tới Tanzania vừa qua, lãnh đạo Tanzania đánh giá cao về sự hợp tác này. Còn triển vọng hợp tác tới đây sẽ như thế nào, thưa ông?

Đến nay, Tập đoàn Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 4 nước châu Phi là Mozambique, Burundi, Cameroon và Tanzania.

Theo tôi được biết, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Viettel tại châu Phi ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo năm 2021 của Viettel cho biết, các thị trường châu Phi đã đạt kỷ lục về tăng trưởng với mức 37%. 

Với chiến lược kinh doanh đột phá, phù hợp với đặc thù khu vực, các công ty của Viettel tại các nước đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành viễn thông sở tại, cung cấp cho người dân dịch vụ với giá cả hợp lý, hỗ trợ các nước đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ tại những vùng nông thôn.

Các công ty con của Viettel tại châu Phi nhận được sự đánh giá cao từ cả chính quyền và người dân bản địa, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam tại các nước nói chung và châu Phi nói riêng. 

Tại Tanzania, mạng viễn thông của Công ty Viettel Tanzania với tên gọi Halotel ngày càng phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh, trở thành một trong những nhà mạng lớn nhất tại Tanzania, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Tanzania. 

Công ty đã đóng góp có trách nhiệm cho sự phát triển hạ tầng của ngành viễn thông Tanzania, phổ cập dịch vụ, phủ sóng các vùng nông thôn, các chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở Tanzania. Kết quả này được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Tanzania đánh giá cao, góp phần thiết thực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam – Tanzania.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự Đại hội X của Đảng Cách mạng cầm quyền Tanzania, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Đông Phi Stergomena Lawrence. Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về tình hình hợp tác, các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.