Nguy cơ dư thừa nông sản vì sản lượng lớn
Những ngày gần đây, triển khai Chỉ thị 16, các tỉnh thành phía Nam đã thắt chặt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông, phân phối nông sản và nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp.
“Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” đã được Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức chiều 29/7 nhằm kết nối các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở sản xuất, bà con nông dân ở các tỉnh phía Nam với các doanh nghiệp tiêu thụ ở phía Nam và một số địa phương phía Bắc để đảm bảo lưu thông nông sản, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ Công tác 970 (Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19) lưu ý: “Hiện nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch. Nguồn hàng nông sản, lương thực đang có nguy cơ dư thừa. Cần có sự kết nối để không xảy ra tình trạng ách tắc nơi này nhưng lại thiếu hụt ở nơi khác”.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cung cấp thêm số liệu: Tính riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn, còn dư khoảng 610 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40 nghìn tấn; chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, khóm (dứa) 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn…
Sản xuất nông nghiệp cần được xem là hoạt động thiết yếu
Phản ánh thực tế tại An Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Tiến Thọ băn khoăn: “Đã vào mùa thu hoạch chính nhưng một số doanh nghiệp ngoài tỉnh như Tổng Công ty Lương thực đang giảm thu mua về kho chứa. Hoạt động vận chuyển của thương lái thu mua lúa cũng đang tạm lắng lại. Trong khi mỗi ngày sẽ có hàng ngàn ha được thu hoạch”.
Ông Thọ kiến nghị: “Hoạt động sản xuất nông nghiệp cần được xem là sản xuất thiết yếu, cần ưu tiên. Nhiều địa phương vẫn cho rằng hoạt động này chưa cần thiết. Nhưng nếu thu hoạch không tốt, nông dân mất mát, chậm xuống giống vụ thu đông, đứt gãy khâu sản xuất thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh lương thực”.
Cùng chung mối lo, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre bày tỏ: “Cần đánh giá lại “mặt hàng thiết yếu". Chúng ta hiện đang đánh giá nghiêng về người tiêu dùng nhiều hơn. Trong bối cảnh sản xuất hàng hóa thì cần phải hiểu rộng hơn. Người sản xuất cũng phải được ưu tiên. Không uống cà phê thì người tiêu dùng không chết, nhưng người sản xuất cà phê chết”.
Ghi nhận phản ánh từ địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh quan điểm “lực lượng sản xuất nông nghiệp là ưu tiên thiết yếu”, đồng thời cho biết Bộ vừa có văn bản gửi các tỉnh, nêu rõ các mặt hàng vật tư nông nghiệp là hàng thiết yếu. Ông Nam đề nghị các sở NN&PTNT phát huy tính chủ động, linh hoạt. Chẳng hạn như đứng ra làm giấy giới thiệu xác nhận một số mặt hàng thiết yếu, chủ yếu là vật tư nông nghiệp, để các chốt trạm kiểm dịch ưu tiên cho đi nhanh.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định: “Vấn đề mấu chốt hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng cả tiêu thụ trong nước và một phần ra quốc tế”.
Liên quan tới vấn đề “hàng thiết yếu”, ông Tuấn cho hay trong buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Bộ TT&TT, hai bên đã thống nhất rằng không thể liệt kê hết danh sách các loại hàng hóa thiết yếu. Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã báo cáo Thủ tướng về việc chỉ không cho phép lưu thông hàng hóa cấm vận chuyển, còn những loại hàng hóa không cấm thì cho lưu thông bình thường.
Tổng sản lượng đầu mối cung cấp hàng nông sản |
Như vậy, vấn đề “hàng thiết yếu” đang được giải quyết; nhưng vấn đề các tỉnh, thành phố để đứt gãy chuỗi cần được lưu ý hơn.
Theo ông Tuấn, Chỉ thị 16 giao các tỉnh xử lý linh hoạt tùy từng địa phương. Những “vùng đỏ” ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… có thể làm căng hơn. Nhưng các tỉnh khác thì phải đảm bảo lưu thông hàng hóa cho người dân.
Mỗi tỉnh phải có “luồng xanh” để phục vụ tiêu thụ nông sản cho tỉnh mình. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Lục Ngạn – Bắc Giang: Cho xe vận chuyển hoạt động nội tỉnh, khi ra cửa ngõ có xe trung chuyển; hoặc áp dụng nghiêm ngặt nhưng vẫn cho người hái vải đi làm với điều kiện đã được xét nghiệm…
Bên cạnh đó, “các tỉnh phải tạo “vùng xanh” cho hoạt động cung cấp hàng hóa. Càng thắt chặt thì càng phải cho shipper hoạt động. Đây là shipper của các doanh nghiệp bưu chính lớn, kiểm soát được nhân sự, shipper của các siêu thị, chứ không phải shipper tự do. Quản lý chặt shipper sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy cung ứng hàng hóa trong chính tỉnh đó.
Tổng hợp đầu mối phân phối theo nhóm sản phẩm |
Mặt khác, các tỉnh cũng cần xem xét để có sự linh hoạt đối với các tỉnh khác. Như Bắc Giang, khi xe vải đi qua các địa phương khác thì lãnh đạo tỉnh/huyện ký xác nhận biển số xe, thời gian đi, đảm bảo an toàn, để nhanh chóng qua được các chốt. Những trường hợp gặp khó khăn, lãnh đạo Bắc Giang trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo địa phương sở tại để trao đổi, thống nhất cho xe qua.
Về các điểm phục vụ cung cấp hàng thiết yếu, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định các doanh nghiệp bưu chính lớn có thể đáp ứng được yêu cầu. Các điểm phục vụ của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bưu chính Viettel (Viettel Post) đều đã thành điểm cung cấp hàng thiết yếu. Hai doanh nghiệp này đang chỉ đạo các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn tích cực hỗ trợ bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn. Đề nghị các tỉnh làm việc với Bưu điện, Viettel Post để có thêm kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các bà con.
Kinh nghiệm tiêu thụ vải tại Bắc Giang được Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT&TT trình bày tại Diễn đàn |
Mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành các kế hoạch về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, về cung cấp hàng thiết yếu khi có dịch. Hiện cũng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về công tác truyền thông, thông tin.
Ngay tại hội nghị, những đề xuất, kiến nghị liên quan tới việc cấp mã QR Code cho shipper, ưu tiên tiêm vắc xin cho những người tham gia chuỗi cung ứng nông sản, cho phép ra đường sớm hơn và về muộn hơn so với giờ quy định để đảm bảo chất lượng nông sản thu hoạch, cần có kênh thông tin điện tử để cập nhật thông tin chi phí cước vận chuyển giúp doanh nghiệp kiểm soát được chi phí logistics … đã nhận được ngay lời giải đáp, hỗ trợ từ lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT và các sở NN&PTNT.
Bình Minh
Hợp lực tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh miền Nam trong điều kiện giãn cách
“Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” sẽ được Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT tổ chức vào chiều 29/7, nhằm giải bài toán tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh miền Nam.