CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 383 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023.
Theo HPG, lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.
Tuy nhiên, liệu HPG cũng như ngành thép đã vượt qua “giai đoạn khó khăn nhất” như Chủ tịch Trần Đình Long nói hay chưa?
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 30/3 ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đã qua thời kỳ khó khăn nhất, nội lực rất tốt, giờ chỉ chờ sức cầu. HPG sẽ dừng các hoạt động đầu tư mới, cắt giảm đầu tư bất động sản và dồn lực cho dự án thép Dung Quất.
Tuy nhiên, trong báo cáo quý I/2023, Hòa Phát thừa nhận, trong quý II tình hình thị trường vẫn còn khó khăn. Tập đoàn Hòa Phát sẽ tập trung nguồn lực đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Đồng thời, HPG khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tùy theo nhu cầu thị trường đảm bảo tồn kho hợp lý.
Trên thực tế, trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, kết quả có lợi nhuận trở lại trong quý I/2023 dù không cao (và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022) nhưng điều này cho thấy, bức tranh sản xuất kinh doanh của Hòa Phát đã tích cực hơn khi so sánh với 2 quý cuối năm 2022. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.
Trong quý I/2023, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng với 34% (HPG sản xuất sản xuất được 869.000 tấn thép xây dựng, giảm 35%).
Khó khăn còn lớn
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thép và tôn khác cũng cho thấy, sự khó khăn của ngành còn lớn.
CTCP Thép Mê Lin (MEL) cũng tránh được 2 quý thua lỗ liên tiếp. Nhưng lợi nhuận ròng trong quý I/2023 giảm 82% so với cùng kỳ xuống còn 2 tỷ đồng. Kết quả này đã khởi sắc hơn mức lỗ hơn 9 tỷ đồng của quý trước đó.
CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (VCA) báo lợi nhuận trong quý I giảm sâu 40% xuống còn 5,3 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm gần 41% xuống còn 506 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản, xây dựng trầm lắng và lãi suất ngân hàng tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Theo VCA, trong năm 2023, thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh về giá bán. Giá bán thành phẩm trong nước hiện vẫn cao hơn giá mặt bằng trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Các đơn vị như Hòa Phát khó khăn trong xuất khẩu nên sẽ tập trung cạnh tranh trong nước.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ, Chủ tịch HPG Trần Đình Long cũng thừa nhận, việc phục hồi ngành thép hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu. Trong khi, lực cầu thép hiện vẫn thấp.
Tôn Đông Á cũng vừa báo cáo lợi nhuận trước thuế quý I/2023 giảm 66% xuống còn 87 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm 48% xuống dưới 3.940 tỷ đồng.
Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành thép lỗ nặng. Đây là một năm khó khăn chung của nền kinh tế, của ngành thép và Hòa Phát.
Riêng trong quý IV/2022, HPG lỗ kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng, qua đó kéo lãi cả năm xuống còn hơn 8.400 tỷ đồng, tương đương 24% của năm trước đó. Doanh thu năm 2022 đạt gần 143.000 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2008, biên lợi nhuận của quý bị âm.
Những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của HPG gồm: thị trường bất động sản trầm lắng; giá nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có than cốc tăng gấp 3 lần hồi giữa năm; giá USD tăng mạnh…
Năm 2022, lần đầu tiên Hòa Phát của ông Trần Đình Long không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế được ĐHCĐ giao. Đây cũng là lý do khiến tập đoàn này "cắt" cả trăm tỷ thù lao. Cả hội đồng quản trị của tập đoàn nhận lương 0 đồng.
Với CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), sau năm lỗ kỷ lục 2022 (lỗ ròng gần 579 tỷ đồng), ban lãnh đạo doanh nghiệp này không nhận thù lao trong năm 2022 và 2023. Ban lãnh đạo SMC cũng dự báo, triển vọng phục hồi tích cực của các doanh nghiệp ngành thép cần thêm nhiều thời gian.
Gần đây, nhiều nhà đầu tư lo ngại, một số doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng bởi công nợ từ doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. SMC là một doanh nghiệp ghi nhận phải thu lớn với Novaland (NVL) và Tập đoàn Hòa Bình (HBC).
Dù vậy, một số cổ phiếu ngành thép cũng hấp dẫn trở lại sau đợt giảm sâu. Cổ phiếu HPG tăng gần gấp đôi kể từ khi xuống thấp điểm hồi tháng 11/2022. Một số tổ chức cũng quay trở lại cổ phiếu ngành thép. Dragon Capital gần đây mua vào và trở thành cổ đông lớn của Hoa Sen Group (HSG).
Trước đó, theo VNDirect, trong năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản dân dụng. Nhu cầu thép xây dựng Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm 9% so với cùng kỳ.