Sau loạt bài VietNamNet phản ánh về gần 2.000 tấn lưu huỳnh tập kết tại Cảng Việt Trì không được che đậy cẩn thận, các đơn vị chức năng của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. 

Về phía Cảng Việt Trì, ngày 31/3, đơn vị này có văn bản số 09 gửi UBND tỉnh Phú Thọ liên quan đến việc bốc, xúc lưu huỳnh. Văn bản trên cho biết: Do mực nước sông cạn kiệt nên có một phương tiện chở lưu huỳnh gặp sự cố thủng tàu khi đang di chuyển từ Quảng Ninh về TP Việt Trì. Sau đó, chủ phương tiện liên hệ với Cảng Việt Trì xin bốc hàng xuống để xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất. 

Trả lời VTV, ông Trần Long - Giám đốc Cảng Việt Trì cho rằng: "Lúc đó, tư tưởng muốn mong giải quyết nhanh nhất để tránh chìm đắm phương tiện, gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Thế nên, lựa chọn phương án giải quyết nhanh gây ra thiếu sót không báo cáo. 

Còn ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, cảng Việt Trì có chức năng tiếp nhận, bốc dỡ, hàng hoá nguy hiểm trong đó có hoá chất. Trước đây cảng Việt Trì cũng đã tiếp nhận lưu huỳnh. Đối với tàu vận chuyển lưu huỳnh từ Hải Phòng đi Lào Cai cũng có giấy phép vận chuyển.

“Đây là chuyến tàu gặp sự cố, không nằm trong kế hoạch ghé Cảng Việt Trì. Theo như cảng vụ báo cáo, số lưu huỳnh này không có trong kế hoạch tiếp nhận nhưng do phương tiện vận tải gặp sự cố, không để chìm phương tiện, chìm lưu huỳnh xuống nước nên phải bốc lên Cảng Việt Trì. Phương án vào Cảng Việt Trì chỉ là khẩn cấp", ông Lê Minh Đạo nói.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên lưu huỳnh được tập kết tại Cảng Việt Trì, đặc biệt là việc tập kết không thực hiện bảo quản, lưu kho, lưu bãi không đúng quy định, không che chắn. 

Cảng Việt Trì tập kết hàng hoá ngày 29/1/2022.
Bãi lưu huỳnh tập kết tại cảng Việt Trì ngày 19/3/2023. 

Ông P.V. (phường Bến Gót, TP Việt Trì) chia sẻ với VietNamNet: "Tôi sinh sống ở đây mấy chục năm, từng nhiều lần ra vào khu vực cảng giao hàng hoá nên không lạ gì với việc tập kết lưu huỳnh". 

Theo ông V., việc tập kết lưu huỳnh diễn ra không cố định. Mỗi lần tập kết lưu huỳnh, người dân thấy rõ mùi bay vào nhà. Theo người đàn ông ngoài 60 tuổi này, ở đây không ai lạ lẫm gì với lưu huỳnh vì không chỉ tập kết trong cảng, việc vận chuyển lưu huỳnh rời cảng cũng làm rơi vãi ra ven đường. 

Còn ông L. sinh sống tại khu phố Hồng Hà 2 (phường Bến Gót) xác nhận: Hơn 10 năm làm việc cạnh cảng, ông đã quen với những chuyến xe chở lưu huỳnh đi qua và chịu đựng mùi lưu huỳnh mỗi lần cảng tiếp nhận mặt hàng này. 

Khi PV VietNamNet phản ánh về thực trạng tập kết lưu huỳnh tại cảng diễn ra trong thời gian dài, ông Đỗ Quang Tĩnh - Phó giám đốc Cảng Việt Trì thừa nhận có tình trạng nêu trên. 

Theo ông Tĩnh, lý do của những lần tập kết lưu huỳnh trước đó là do: "Nhà máy dừng nhập lưu huỳnh trong khi đến ngày phương tiện phải giải phóng, do đó mình bốc lên một vài xe lên bãi để giải phóng phương tiện. Thời gian này diễn ra từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau được chở đi luôn mà không lưu bãi". 

Vẫn theo ông Tĩnh, việc tập kết lưu huỳnh tại Cảng Việt Trì không phải là cá biệt mà xảy ra ở một số địa phương. 

Vợ chồng ông Trương Văn Thanh khổ sở vì bụi và mùi hôi khi sống gần Cảng Việt Trì.

Với việc mỗi năm tiếp nhận cả trăm nghìn tấn lưu huỳnh rồi trung chuyển đến các nhà máy, mùi lưu huỳnh khiến nhiều người dân tại khu phố Hồng Hà 2 lo ngại. 

Cụ thể, khu dân cư cạnh Cảng Việt Trì nhiều năm qua luôn trong tình trạng bụi bao phủ. Mùi hắc mỗi khi cảng tập kết lưu huỳnh tràn vào các nhà dân khiến họ sống trong cảnh lo lắng sẽ hứng chịu bệnh tật do ô nhiễm môi trường. 

Gia đình ông Trương Văn Thanh (khu phố Hồng Hà 2) sống khốn khổ khi mặt tiền căn nhà hứng trọn bụi bặm từ đường lớn và Cảng Việt Trì. 

Dù bịt kín mặt tiền bằng tấm tôn lớn nhưng từ gốc cây cảnh, sàn nhà, sân thượng, mái hiên... phủ một màu đen khi gió cuốn bụi bặm, mùi hôi ập đến.

Mặc dù nhiều lần kêu cứu đến khu phố, phường nhưng ông Thanh cho biết hơn 10 năm qua tình hình không có chuyển biến mà còn ô nhiễm trầm trọng hơn. Dù nhà có nhiều con, cháu nhưng căn nhà ông Thanh chỉ có 2 vợ chồng ở. Các con, cháu được dặn hạn chế đến vì sợ sẽ mang bệnh tật.

Thanh tra tỉnh Phú Thọ: "Cảng Việt Trì phát tán nhiều bụi" 

Cuối năm 2022, Thanh tra tỉnh Phú Thọ ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất bảo vệ môi trường tại Cảng Việt Trì (thuộc Tổng Công ty vận tải thuỷ - CTCP). 

Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy, công tác vệ sinh môi trường tại Cảng Việt Trì chưa tốt, trong khuôn viên Cảng còn phát tán nhiều bụi.  Báo cáo của Cảng Việt Trì cho biết: Khí, bụi và tiếng ồn phát sinh chủ yếu từ quá trình vận chuyển, bốc xếp hàng hoá. Việc này được xử lý bằng cách tưới nước vào bề mặt đường. 

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Phú Thọ chỉ rõ: Trong quá trình quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất Cảng Việt Trì đã ký các Hợp đồng cho một số doanh nghiệp thuê kho, bãi để lưu giữ hàng hóa. 

Nhưng thực tế đã có 7 doanh nghiệp đã lắp đặt máy móc có hiện tượng để hoạt động sản xuất trên diện tích mà doanh nghiệp thuê lại của Cảng Việt Trì không đúng với mục đích hợp đồng các bên đã ký kết. 

Thanh tra tỉnh yêu cầu 7 doanh nghiệp tháo dỡ các thiết bị máy móc có hiện tượng hoạt động sản xuất trước ngày 31/3/2023.

Ngày 2/4, ông Đỗ Quang Tĩnh, Phó giám đốc Cảng Việt Trì xác nhận: Các doanh nghiệp nêu trên chưa thực hiện tháo dỡ và đang có những kiến nghị đến chính quyền tỉnh Phú Thọ liên quan đến bản kết luận thanh tra nêu trên.