Năm học mới đã được hơn một tháng. Sau khi các khoản thu bất hợp lý được thông tin trên các phương tiện truyền thông, UBND nhiều tỉnh, thành đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh trình trạng lạm thu trên địa bàn. Các Sở GD-ĐT cũng đã lập đoàn thanh tra về địa phương và nhà trường kiểm tra việc thu chi đầu năm.
Các Sở GD-ĐT vào cuộc chấn chính lạm thu
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có công văn gửi Sở GD-ĐT, UBND các quận/huyện về việc nghiêm cấm lạm thu trong trường học.
"Nếu trường nào để xảy ra tình trạng thu trái quy định thì Hiệu trưởng các trường THPT và các trường trực thuộc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm.
Không cho phép Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức vận động các khoản thu trái với quy định tại các văn bản chỉ đạo của UBND TP và các văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm..." - công văn nêu rõ.
Tại Nghệ An, nhằm chấn chỉnh tình trạng thu, chi đầu năm học, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT sẽ tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đến các địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Bắt đầu từ ngày 19/9, đoàn thanh tra liên ngành sẽ tổ chức thành 2 đoàn do Phó Giám đốc Sở Tài chính và Phó Chánh thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra một số địa phương và làm việc tại một số trường THPT như THPT Quỳnh Lưu 2, THPT Phan Đăng Lưu, THPT Nghi Lộc 1 và THPT Đô Lương 3. Dự kiến đoàn kiểm tra của UBND tỉnh sẽ trong 30 ngày.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng thành lập 4 đoàn thanh tra công tác thu chi, bắt đầu kiểm tra từ ngày 26/9 đến ngày 6/10.
Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, thông tin cho phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại rằng nếu cơ sở giáo dục nào để xảy ra tình trạng thu một số khoản thu không đúng quy định gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh học sinh sẽ xem xét xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ sai phạm...
Công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu của UBND tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Ông Nhân cũng cho biết thêm Sở đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu các khoản thu để giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh học sinh; trước mắt trong thời gian khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, chưa thu các khoản thu chưa thực sự cấp thiết.
Việc thực hiện việc xã hội hóa phải đảm bảo minh bạch, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Sở GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các trường học trong toàn tỉnh.
Theo Báo Lao Động, Bạc Liêu sẽ trả lại các khoản "lạm thu" đầu năm học mới.
Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu cho biết Sở đã thành lập tổ kiểm tra lạm thu và các đoàn kiểm tra chéo lẫn nhau.
Kết quả kiểm tra cho thấy, việc các trường thu vận động nhiều khoản là có, trong đó có những khoản thu chưa thật sự hợp lý như tại trường THPT Chuyên Bạc Liêu.
“Sở GDĐT sẽ phối hợp với Trường TPHT chuyên Bạc Liêu họp với toàn thể cha mẹ học sinh xin ý kiến phụ huynh về việc xử lý các khoản thu chưa thật sự hợp lý tại đây. Ngoài ra, nếu phụ huynh phát hiện các khoản nào khác, Sở cũng tiếp thu. Trên cơ sở đó, sẽ giải quyết theo hướng nếu phụ huynh không đồng ý thì hoàn trả lại những khoản không đúng cho phụ huynh.
Đối với các trường khác không trực thuộc quản lý trực tiếp, Sở GDĐT phối hợp với UBND, Phòng GDĐT để có cách giải quyết vấn đề”.
Minh họa tình trạng lạm thu trong giáo dục (Ảnh Zing.vn) |
Báo Giao thông đưa tin, ngày 1/10, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng giao Giám đốc Sở GD-ĐT phối hợp với Chủ tịch UBDN các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiên nghiêm các khoản thu theo đúng quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm.
Kịp thời thực hiện hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét hoặc hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, đảm bảo các học sinh được đi học đầy đủ.
Còn theo Báo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các cơ sở giáo dục cam kết không thu các khoản ngoài học phí trái quy định đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Đối với giáo dục nghề nghiệp công lập, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ sở giáo dục tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ công khai, minh bạch...
Ông Nguyễn Văn Toàn - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông - cho biết đầu năm học này, Sở đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc thu học phí, đóng góp đầu năm học.
Theo đó, các khoản quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Riêng các khoản thu xã hội hóa, trường phải làm tờ trình xin cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng báo này đưa tin Sở GD-ĐT Kiên Giang đã có kế hoạch kiểm tra các khoản thu tại các trường vào đầu năm học, ít nhất sẽ kiểm tra 5 trường từ cấp mẫu giáo đến THPT trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, giám đốc Sở, thì đợt kiểm tra này nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm thu tại các trường hiện nay. Nếu đoàn kiểm tra phát hiện dấu hiệu lạm thu tại trường nào, sẽ lập tức kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm".
"Bức xúc" và "xấu hổ"
Báo Hà Nội mới đưa tin cử tri Hà Nội rất bức xúc về các khoản thu tự nguyện nhưng như... bắt buộc.
"Đầu năm học mới, nhiều trường, lớp có các khoản thu tự nguyện nhưng như "bắt buộc", khiến người dân băn khoăn và bức xúc vì "đóng góp tự nguyện thì ấm ức, không đóng lại sợ con mình bị “trù úm"" - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn nêu tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV diễn ra sáng 30/9.
Vì thế, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để chấm dứt tình trạng này.
Bảng kê dự thu của Trường Mầm non Quảng Thái (Thanh Hóa) bị phụ huynh phản đối (Ảnh: VietNamNet) |
Trên Báo Người Lao động, ông Nguyễn Việt Hòa (nguyên hiệu trưởng trường THCS) có “Thư gửi các hiệu trưởng: Đừng để trường học 'sặc mùi tiền'”.
Trong “bức thư” này, ông Hòa đặt câu hỏi với các đồng nghiệp: “Trước, trường học luôn được xã hội coi là môi trường trong trẻo, lành mạnh, người thầy được nể trọng vì thanh cao, mẫu mực. Giờ, trường học sao "sặc mùi tiền" đến vậy?”.
Ông Hòa cho biết “Tôi thấy khó hiểu vì giữa thời cuộc xã hội đang đồng loạt tấn công vào hang ổ tiêu cực và tham nhũng thì nhiều hiệu trưởng vẫn ngang nhiên lấy Hội phụ huynh làm "bức bình phong" để bịa ra đủ thứ khoản đề thu như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Lại không thể hiểu làm sao khi Bộ GD-ĐT đã có văn bản chấn chỉnh…, mà một số hiệu trưởng vẫn làm lơ, ép phụ huynh "thu bằng được"? Chẳng lẽ các bạn đã "nhờn kháng sinh" sao?”.
Cũng từng làm hiệu trưởng trường học, "khá giàu tưởng tượng", nhưng khi đọc các danh mục thu "thỏa thuận" của 4 trường Bộ thanh tra và những trường báo chí phản ánh, ông Hòa thấy hiệu trưởng những trường này “là "bậc thầy" của sự tưởng tượng - có trường đến 48 khoản thu!”.
Cho biết rằng mình “thật sự kinh ngạc, hơn thế, phải "ngả mũ bái phục" sự "sáng tạo" bất tận ngoài sức tưởng tượng...”, và cả sự “xấu hổ thay cho kiểu "sáng tạo" đó”, ông Hòa thẳng thắn “Các bạn "mãi mê sáng tạo các khoản thu" mà quên đi trách nhiệm của mình: Xây dựng môi trường trong sáng, lành mạnh để giáo dục nhân cách học sinh”.
“Mong các bạn hiệu trưởng đừng vì đồng tiền mà làm méo mó, xấu xí đi hình ảnh trong sáng, nhân văn vốn là bản chất của môi trường học đường.
Còn bạn hiệu trưởng nào chỉ chăm chút chạy theo đồng tiền, xin có đôi lời nhắn nhủ: Đồng tiền luôn có hai mặt. Đừng để nó vấy bẩn lương tâm và hoen ố danh dự của người thầy!”.
70-90% người được hỏi muốn bỏ hội phụ huynh
Người khởi xướng đề nghị “giải tán hội phụ huynh là ông Võ Quốc Bình (40 tuổi), phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TPHCM). Ông Bình đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ đề nghị việc này.
Ý tưởng của ông Bình đã gây ra một cuộc tranh luận khá mạnh mẽ giữa hai bên ủng hộ và phản đối.
Các báo VietNamNet, dân trí, Người lao động đã thực hiện khảo sát về việc nên giữ hay bỏ hội phụ huynh. Kết quả như sau:
Thăm dò của Báo VietNamNet: 2.428/ 2.758 phiếu đồng ý bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, chiếm tỉ lệ 88,03%. Có 269 phiếu đồng ý giữ, chiếm 9,75% và 61 ý kiến khác, chiếm 2,21%.
Báo VietNamNet |
Thăm dò của Báo Dân trí: Có 96,17% độc giả tham gia bỏ phiếu biểu quyết đồng ý nên giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh. Chỉ có 3,83% cho rằng không nên.
Báo Dân trí |
Thăm dò của Báo Người lao động: có 164 phiếu (8%) đồng ý nên giữ ban đại diện cha mẹ học sinh. 1.386 phiếu (71%) cho rằng không nên. 392 phiếu (20%) cho rằng nên giữ nhưng phải chấn chỉnh và 14 phiếu (1%) có ý kiến khác.
Báo Người Lao động |
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đưa quan điểm: Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên cần xem xét hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Thực tế, hiện nay một số nơi ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng quy định tại điều lệnh mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Đây là trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng.
Trước những biến tướng như hiện tại, bà Nghĩa cho biết "Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu hội phí để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện".
Phương Chi tổng hợp