Ana Obregón thông báo về sự ra đời đặc biệt của cháu nội trong một bài viết xuất bản mới đây trên trang bìa của tạp chí iHola. Trong đó, nữ diễn viên 68 tuổi này mô tả chi tiết cách bà sử dụng mẫu tinh trùng của con trai Aless, người đã qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2020 khi mới 27 tuổi, để thụ tinh cho một phụ nữ đẻ thuê.

Ảnh bà Obregón bế cháu nội trên trang bìa tạp chí iHola. Ảnh: Twitter

Câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận Tây Ban Nha đến mức tạp chí Letras đã cử phóng viên lần theo dấu vết của người mang thai hộ - một phụ nữ gốc Cuba sống ở bang Florida, Mỹ và tung ảnh của cô lên trang nhất.

Sự việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận cả về pháp lý và đạo đức ở Tây Ban Nha. Luật pháp nước này cấm việc mang thai hộ và chỉ cho phép sử dụng các mẫu tinh trùng để thụ thai cho phụ nữ góa bụa trong vòng 12 tháng sau cái chết của người bạn đời, với sự cho phép rõ ràng của họ.

Theo bà Obregón, đứa trẻ có tên Ana Sandra Lequio Obregón, sinh ngày 20/3 tại Miami và sẽ mang quốc tịch Mỹ. Cô bé sẽ được đăng ký tại lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Miami trước khi bay về Tây Ban Nha.

Một số người đặt câu hỏi, liệu bà Obregón có thể mang một đứa trẻ sinh ra theo cách bất hợp pháp theo quy định của Tây Ban Nha về nước này hay không. Tuy nhiên, nữ diễn viên kỳ cựu nói, bà có tài liệu chứng minh bản thân được pháp luật công nhận là mẹ của bé gái ở Mỹ và việc nhận nuôi một đứa trẻ sinh ra tại nước ngoài là hợp pháp ở Tây Ban Nha.

Bà Obregón và con trai Aless khi còn sống. Ảnh: Europa Press

Bà Obregón tiết lộ thêm về cách cô bé Ana thích nghi với gia đình của mình: “Đây không phải là con gái mà là cháu gái của tôi. Con bé là con của Aless và khi cháu lớn lên, tôi sẽ nói với cháu rằng cha nó là một anh hùng”. Nữ diễn viên này nhấn mạnh, con trai quá cố của bà luôn muốn có một gia đình lớn. Do đó, bà không loại trừ việc lặp lại quy trình để Ana có thêm em trai hoặc em gái.

Theo CNN, một số chuyên gia cho rằng tính pháp lý của tình huống này là không rõ ràng. Trong khi, nhiều nhà quan sát khác nhận định, bà Obregón khó có thể gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào khi đưa cháu nội về nhà.

Tuy nhiên, vụ việc đang làm dấy lên các câu hỏi về đạo đức đối với việc mang thai hộ. Luật pháp Tây Ban Nha coi hành vi này là “một hình thức bạo lực đối với phụ nữ”. Một số ý kiến lại tỏ ra hoài nghi tuyên bố của bà Obregón về việc bà đang thực hiện tâm nguyện cuối cùng trước khi chết của con trai.

Bà Obregón đã tìm cách xoa dịu các tranh cãi, gọi cuộc tranh luận ở Tây Ban Nha là "lố bịch" vì việc mang thai hộ là hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ. Một số quốc gia khác, ví dụ như Anh, cho phép mang thai hộ nhưng hạn chế việc này. Các hạn chế cộng với chi phí cao và thiếu người mang thai hộ khiến các cặp đôi ở xứ sở sương mù thường tìm kiếm những người đẻ thuê ở nước ngoài như Mỹ, nơi quy trình đơn giản hơn.

Các cú sốc từ bê bối đẻ thuê ở Thái Lan

Các cú sốc từ bê bối đẻ thuê ở Thái Lan

Trường hợp một cặp vợ chồng người Australia bị cáo buộc bỏ rơi con vì phát hiện ra đứa trẻ mắc hội chứng Đao đã soi rọi những mảng tối trong dịch vụ mang thai hộ ở Thái Lan.  
Tâm sự bà mẹ đẻ thuê hơn 20 năm

Tâm sự bà mẹ đẻ thuê hơn 20 năm

Jill Hawkins đã sinh 10 đứa trẻ, tất cả đều cho các cặp vợ chồng khác. Ở tuổi 47, và sau khi gần chết lúc mang thai lần cuối, bà mẹ đẻ thuê mắn nhất nước Anh quyết định về hưu.