Không nên là phong trào

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ của Thành phố, trong đó có yêu cầu xử lý nghiêm những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm.

Có thể thấy quyết tâm của Hà Nội là rất kịp thời. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, mỗi việc làm của Hà Nội có tác động không chỉ riêng Hà Nội.

Việc Hà Nội có nhiều giải pháp để đưa những hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố phát triển cũng là công việc thường xuyên. Tuy nhiên có những lĩnh vực có những giải pháp được dư luận xã hội đánh giá cao, được kỳ vọng nhưng chưa thấy có nhiều chuyển biến.

Đã từ rất lâu, Hà Nội có nhiều “điểm nghẽn” ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố song vẫn chưa thể khắc phục được. Bài toán cứ mưa là ngập lụt, giờ cao điểm là tắc đường cứ lặp đi lặp lại hàng chục năm qua vẫn khó mà giải quyết là một ví dụ.

Một ví dụ khác là việc quản lý trật tự vỉa hè. Thành phố đã đưa ra giải pháp mạnh trong công tác truyền thông. Ai làm tốt, ai làm xấu, phường nào, xã nào, quận nào tốt xấu ra sao đều được cập nhật. Biện pháp mà ông Chủ tịch đề ra là công khai thông tin hàng tháng với những vị chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, chủ tịch UBND thị trấn, xã, phường vẫn để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường.

Thật ra quản lý vỉa hè, lòng đường không phải bây giờ mới đặt ra và được người dân quan tâm. Hà Nội những năm trước cũng đã ra quân rầm rộ trong chiến dịch “giành vỉa hè, lòng đường” nhưng cũng chỉ một thời gian lại đâu vào đấy. Cái khó chính là giải quyết tốt vấn đề hài hoà lợi ích giữa cá nhân và tập thể. Vẫn còn không ít người dân sống dựa vào vỉa hè.

Còn có nhiều lĩnh vực khác mà Hà Nội đề ra từ rất lâu mà vẫn chưa giải quyết được triệt để, chưa có những đột phá. Đành rằng lãnh đạo một thành phố là phải toàn diện, không coi trọng mặt nào, lĩnh vực nào, song có những công việc cần tập trung tháo gỡ những “nút thắt” ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân. Trong một nhiệm kỳ, chỉ có thể giải quyết xong một vài “nút thắt” cũng đã là thành công chứ không theo phong trào, việc gì cũng làm.

Hà Nội có những khó khăn và thuận lợi như các tỉnh thành khác của cả nước nhưng khó khăn thuận lợi thì giống nhau song cách giải quyết, cách khắc phục chắc chắn sẽ khác. Chẳng hạn tham nhũng vặt ở đâu cũng có nhưng Hà Nội trầm trọng hơn, tính chất cũng phức tạp hơn và cách giải quyết và cách làm cũng phải khác hơn, quyết liệt hơn. Hay chuyện chuyển đổi số, cả nước giống nhau nhưng Hà Nội dân trí, điều kiện vật chất cũng khác cách làm cũng phải khác.  

Tắc đường, nỗi khiếp sợ của. người dân. Ảnh: Hoàng Hà

Chúng ta thường hay nói cụm từ “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động” tức muốn nói đến yếu tố phong trào mà không chú ý thực chất, không theo dõi chặt chẽ cụ thể. Ở đây trong chỉ đạo của người đứng đầu thành phố lần này đã khá chặt chẽ cụ thể. Ông yêu cầu có kế hoạch, thời gian cụ thể hoàn thành và thường xuyên theo dõi…

Giao công việc cụ thể, con người cụ thể không kêu gọi chung chung, chỉ đạo chung chung theo kiểu chiến lược để từ đó mới phát hiện ra ai làm tốt, ai làm xấu, ai né tránh đùn đẩy mới có biện pháp xử lý là cách làm sâu sát, tỷ mỹ, hiệu quả. Đó cũng chính là cách làm mới của Hà Nội.

Quan trọng là hiệu quả

Trong chỉ thị vừa ban hành, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số; kiểm tra, xem xét, xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

Hà Nội vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa có nhiều chuyển biến, chưa hiệu quả như tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng chưa mưa đã ngập, quản lý lòng đường vỉa hè, quy hoạch đô thị còn bất cập… ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt Thủ đô, cuộc sống của người dân. 

Còn có những việc để tồn tại hơn 30 năm người dân bức xúc vì giống như quy hoạch treo đó là tuyến đường Lê Trọng Tấn - vành đai 3 (hay còn gọi là Tôn Thất Tùng kéo dài). Người dân vẫn không biết bao giờ thì bị thu hồi đất, bao giờ được bồi thường đất để an cư lạc nghiệp. Và điều quan trọng con đường này là sự liên kết của hệ thống giao thông phía Nam nhằm giảm ùn tắc cho giao thông ở cửa ngõ thành phố.

Hà Nội đang khởi công tuyến đường vành đai 4 nhưng tuyến đường vành đai 2,5 bao năm vẫn dở dang bừa bộn. Đành rằng có những đoạn khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, tốn kém cần có thời gian song có những đoạn tuyến đang làm lại bỏ dở. Cụ thể là tuyến đường đi qua địa phận phường Khương Trung - Định Công nối đường Kim Đồng chỉ còn hoàn thiện mà sao khó thế. Đường làm thì ngổn ngang, cầu thì sắt đã hoen gỉ “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Có một nghịch lý là Hà Nội “mới” (khu vực phía Tây mới xây dựng) lại là nơi ùn tắc, ngập lụt nhiều. Đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của cư dân nơi đây. Mới quy hoạch, mới xây dựng mà lại “lạc hậu” hơn 36 phố phường cổ là câu chuyện khó tin mà có thật. Bộ Xây dựng đã có kiểm tra, đã có kết luận, nhưng ai làm sai, ai vi phạm lại rơi vào quên lãng.

Bao giờ có thành phố bên bờ sông Hồng? Ảnh: Hoàng Hà

Quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng cũng là việc lớn mà Hà Nội đã kỳ vọng, đã tiến hành nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Ý tưởng thành phố bên sông khá đẹp, khá lãng mạn nhưng vẫn chỉ là ý tưởng lãng mạn.

Hay chuyện chuyển công sở, nhà máy ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc nhưng điều nghịch lý là lại lại xây nhà cao tầng. Tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức, đã đánh giá tiến độ di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở y tế, nhà máy xí nghiệp... khỏi nội thành rất chậm. Đất sau di dời không bàn giao cho thành phố để ưu tiên xây công trình công cộng mà trở thành các tòa nhà cao tầng.

Nói như vậy để mới thấy còn nhiều việc Hà Nội phải làm để Hà Nội mới thật sự trở thành xanh, sạch đẹp, mới xứng đáng là thành phố vì hoà bình.

“Thà ít mà tốt”, nghĩa là làm việc gì, giải quyết việc gì thì phải xong việc đó. Có như vậy mới quy được trách nhiệm, mới tìm ra được ai dám nghĩ dám làm, mới đem lại hiệu quả.

Nguyễn Đăng Tấn

Cho cán bộ yếu kém từ chức, Hà Nội có nói và làmKế hoạch số 205/KH-UBND vừa được UBND TP Hà Nội ban hành yêu cầu các cơ quan, quận huyện kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ có năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.