Hơi thở cuộc sống

Những khóa gần đây Quốc hội của ta ngày càng có nhiều đổi mới. Những giám sát của Quốc hội, những quyết sách của Quốc hội mang đậm hơi thở của cuộc sống.

Trong đại dịch vừa qua, nhiều quyết sách của Quốc hội có hiệu lực ngay đối với cuộc sống. Sự nhịp nhàng, sự gắn kết giữa Quốc hội và Chính phủ làm cho hoạt động thực tiễn có những bước đột phá. Nghị quyết 30 chỉ là một trong nhiều quyết sách chưa có tiền lệ của Quốc hội đương nhiệm.

 Tháng 10/2021, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế  - xã hội, xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình này, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chưa đầy 2 tháng sau, đây có thể được xem như một bước đột phá, Quốc hội họp bất thường, cũng là kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội quyết định lên tới gần 350.000 tỷ đồng.

Đó chỉ là một thí dụ về nhịp nhàng, gắn kết của Quốc hội và Chính phủ, nói chính xác hơn là cuộc sống đã thổi vào nghị trường và buộc nghị trường phải đáp ứng, phải có quyết sách phù hợp. 

Hay chuyện chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng được Quốc hội thông qua một cách nhanh chóng thể hiện sự vào cuộc kịp thời. Thật ra chủ trương làm cao tốc đã được Trung ương Đảng cho ý kiến song nếu cứ tuần tự theo đúng “quy trình” thì mất rất nhiều thời gian. Ngay chuyện đấu thầu cũng là cả một câu chuyện dài. Ở đây nếu không có Quốc hội cho chủ trương thì Chính phủ cứ tuần tự thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian…

Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, chúng ta thấy những chất vấn của đại biểu đối với các vị “tư lệnh ngành”, một lĩnh vực lâu nay người dân mong đợi tiếng nói của cử tri được lắng nghe được thực hiện mà chính những vấn đề bức xúc, những vấn đề “cần làm ngay” phải được chính những người đại diện cho cử tri vang lên trong nghị trường.

Người dân rất vui khi những “bức xúc” về ngành điện được phản ánh, được mổ xẻ, được thảo luận một cách cặn kẽ như vậy. Người dân không biết ngành điện quản lý thế nào, thiếu điện do chủ quan hay khách quan tác động. Vấn đề là một ngành lo đảm bảo an ninh năng lượng cho một quốc gia thì phải tìm mọi cách thực hiện cho bằng được nhiệm vụ được giao. Nói thiếu điện là những người có trách nhiệm không có tầm nhìn chiến lược, là không hoàn thành nhiệm vụ. Nói đường dây đã đủ tải mà thiếu điện lại là khuyết điểm nghiêm trọng. Nói thủy điện xuống đến mực nước chết không phát điện được thì vai trò điều độ, tính toán của ngành ở đâu…

Còn rất nhiều thí dụ về chỉ đạo, kịp thời, chỉ đạo “nóng” tháo gỡ khó khăn mà các đại biểu chi ra, Chính phủ vào cuộc ngay như chuyện ngành y tế phải đảm bảo thuốc cho dân điều trị, về tháo gỡ kịp thời những vướng mắc giải tỏa đất đai, bất động sản, về chuyện nhiều cán bộ không dám nghĩ dám làm dẫn đến sự trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội…tất cả đều được phản ánh đều được đưa ra bàn bạc và có giải pháp kịp thời.

Luật vào cuộc sống

Sự phát triển không bao giờ đi theo một được thẳng, nhận thức không phải một lần là xong. Vấn đề là phát hiện những điểm nghẽn, những tác động ngược chiều để tháo gỡ, để vào cuộc kịp thời.

Khi Quốc hội mang hơi thở của cuộc sống, Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ có nghĩa là thực tiễn đang được nhận thức đúng như những gì đang diễn ra và đòi hỏi sự tác động đúng, kịp thời để đẩy nhanh sự phát triển là những đòi hỏi khách quan. Và chỉ như vậy thì Quốc hội mới thực sự trở thành tiếng nói của nhân dân. 

Ở nước ta, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội có 3 chức năng chính là: thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. 

Quốc hội làm luật, đó là một trong những chức năng chính của quộc hội. Luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp. Việc này được thể hiện cụ thể thông qua các văn bản luật. Những quy định trong văn bản luật xác định quyền và nghĩa vụ của công dân. Đây chính là căn cứ để công dân thực hiện quyền và được đảm bảo quyền, lợi ích của bản thân.

Thật ra, nghĩa vụ và quyền lợi bao giờ cũng đều đi song hành. Nếu nặng một bên tức là đã phá vỡ sự hài hòa. Cái giỏi của những đạo luật chính là ở đó. Ở nước ta, một xã hội đang phát triển, những điều luật dễ bị lạc hậu nhanh do với thực tiễn. Có một thời, chúng ta thường nói đến cụm từ “quản không được thì cấm”, chính là nói đến tư duy làm luật còn chậm so với sự phát triển của thực tiễn. Gần đây rộ lên cảnh báo là việc những cá nhân, tổ chức, lợi ích nhóm thường “cài cắm” những điều luật có lợi cho mình, cho nhóm của mình, tức “lợi ích nhóm”. Đây thực sự là nguy cơ cho làm luật.

Nhưng ở chiều ngược lại, làm luật nhưng chưa có tầm nhìn, không vạch ra được những quy luật phát triển thì đạo luật làm ra sẽ nhanh bị lạc hậu và phải sửa đổi. 

Như vậy, những đạo luật lạc hậu nhanh có yếu tố khách quan là sự phát triển nhanh của thực tiễn nhưng vẫn là hậu quả của tầm nhìn. Bởi suy cho cùng xã hội phát triển cũng đều do quy luật khách quan chi phối. Những người làm luật phải vừa am hiểu ngành, lĩnh vực đồng thời phải thấy được, phải dự báo được quy luật phát triển để đưa ra những điều luật “vượt trước”. Không thể để những điều luật chỉ là tấm gương phản chiếu tức thời cuộc sống.

Đó là những vấn đề lớn, dài hơi, ở góc độ gần hơn chính là nhiệm vụ giám sát nhà nước của Quốc hội. Sự giám sát này chủ yếu là phát hiện, điều chỉnh những hoạt động thực tiễn nhằm để thực tiễn ấy phải đi đúng qui luật. Quốc hội giám sát để Chính phủ thực hiện theo đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, mà tất cả là vì mục tiêu vì dân.

Nguyễn Đăng Tấn