Sau khi Lazada và Zalora được các nhà bán lẻ lớn mua lại, cuộc đua của thương mại điện tử ngày càng khốc liệt. Các đại gia lớn bán lẻ cũng phải tính kế để không chậm chân ở một thị trường đầy béo bở này.
Cuộc chơi tốn kém
Đầu tháng 4/2016, gã khổng lồ về thương mại điện tử Trung Quốc - Alibaba - đã chấp nhận chi 137 triệu USD để trở thành cổ đông lớn của Lazada, một trang thương mại điện tử có mặt tại 6 thị trường Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo thông báo được Rocket Internet đưa ra, thương vụ này định giá Lazada ở mức 1,5 tỷ USD.
Thương vụ này được cho là sẽ mở ra cánh cửa để các thương hiệu và nhà phân phối trên toàn thế giới cũng như các công ty Trung Quốc đang hoạt động trong hệ thống của Alibaba tiếp cận với thị trường Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam.
Thương mại điện tử tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều thách thức |
Ngay sau đó, Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan đã thành công trong việc trả giá 10 triệu USD đối với mỗi mảng kinh doanh của Zalora ở Việt Nam và Thái Lan. Mỗi năm, có tầm 1,4 triệu giao dịch qua Zalora tại 10 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thương vụ mua Zalora sẽ giúp Central Group mở đường "lên mạng", cạnh tranh với các đối thủ là những đại gia bán lẻ trong khu vực như Alibaba Group (Trung Quốc) hay Lippo Group (Indonesia) đã đầu tư vào các kênh thương mại điện tử, kết hợp giữa bán lẻ (offline) và bán trực tuyến (online).
Thực tế, Rocket Internet đã thực hiện nhiều bước đi quan trọng nhằm lấp đầy thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, khu vực với hơn 550 triệu dân nhưng chưa có sự hiện diện của Amazon hay eBay khi công ty mở Lazada và Zalora năm 2012.
Tuy nhiên, đây không hề là cuộc chơi dễ dàng. Cả hai đều hướng tới mục tiêu lợi nhuận năm 2015 nhưng tổn thất nặng nề vì nhiều yếu tố, trong đó có tăng trưởng thị trường chậm. Trong báo cáo tài chính của Rocket Internet ngày 14/4/2016, doanh thu Zalora tăng 78% (234 triệu USD) năm 2015 nhưng lỗ ròng 36% (105 triệu USD).
Doanh nghiệp nội vào cuộc đua
Sự xuất hiện ồ ạt của các nhà bán lẻ đến từ nước ngoài, nhất là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Thái Lan cho thấy sức hút lớn của thị trường.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, mới chỉ có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam và tỷ trọng tham gia bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài mới chỉ chiếm 3,4% doanh số bán lẻ chung. Điều đó cho thấy vẫn còn một thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp nội địa.
Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Cục TMĐT và CNTT, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD, doanh số TMĐT B2C đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Mua sắm trực tuyến vẫn tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn |
Số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) cho hay, tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số. Internet băng rộng di động có 36,28 triệu thuê bao, với tỷ lệ 40,1 thuê bao/100 dân.
Trong khi đó, tính tới thời điểm cuối năm 2015, Việt Nam có 120.607.726 thuê bao di động, chiếm tỷ lệ 133 thuê bao/100 dân. Với tốc độ phát triển như vũ bão của mạng xã hội và các trang web thương mại điện tử, số người sử dụng các dịch vụ online ngày càng phát triển.
Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết, trong khi việc bán hàng offline đã bắt đầu chạm ngưỡng và các DN trong nước đã phải tính đến việc đi mở các cửa hàng tại vùng sâu vùng xa do doanh thu trên mỗi cửa hàng giảm thì doanh số bán hàng online đang tăng theo cấp số nhân.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Adayroi, nhận xét, mặc dù thương mại điện tử là xu hướng tất yếu nhưng bán lẻ trực tiếp sẽ vẫn là kênh tiêu dùng chính. Lý do, đó là người tiêu dùng vẫn được thỏa mãn hơn khi mua sắm trực tiếp bởi được tiếp xúc, kiểm tra, dùng thử sản phẩm và hơn nữa, mua sắm không chỉ để đáp ứng nhu cầu mà còn là một thú vui, đam mê.
Ông Tài cũng thừa nhận, việc cạnh tranh về giá là có, và có một tầng lớp khách hàng ưa thích các sản phẩm giá rẻ. Thực tế, giá điện thoại tại Việt Nam đã không còn quá chênh lệch với thị trường quốc tế. Thậm chí một số sản phẩm như Samsung giá bán tại Việt Nam rẻ hơn nên các kênh bán hàng xách tay ngoại - trừ bán các sản phẩm Apple - trong vài tháng đầu ra mắt, các kênh này gần như không còn cửa sống. Nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được kênh bán hàng online vì ở những vùng sâu vùng xa, rất nhiều người không biết online là gì.
Có thể nói, bán lẻ trực tuyến là một xu hướng mà các doanh nghiệp phải tính tới. Tuy nhiên, để giành phần thắng trong lĩnh vực này cần phải rất mạnh về nội lực tài chính lẫn công nghệ. Cuộc đua này không hề dễ dàng.
Duy Anh