- Có trường hợp “tham nhũng chính sách” trớ trêu xảy ra ở Thanh Hóa. Một nhóm cán bộ xã đã quyết định “ghép khẩu” người thân vào danh sách hộ nghèo để trục lợi tiền hỗ trợ.
Năm ngoái, có một trường hợp “tham nhũng chính sách” trớ trêu xảy ra ở Thanh Hóa. Một nhóm cán bộ xã đã quyết định “ghép khẩu” người thân vào danh sách hộ nghèo để trục lợi tiền hỗ trợ. Con số sai phạm lên đến 113 lượt nhân khẩu chỉ trong một xã, giai đoạn 2011 đến 2016. Hiện tượng này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí phẫn nộ, nhưng có lẽ với những biện pháp ưu đãi cũ, thì việc lạm dụng chính sách như vậy có lẽ xảy ra không ít ở những địa phương khác.
Không chỉ có cán bộ trục lợi, mà nhiều người dân cũng tìm cách bòn rút tiền giảm nghèo bằng biện pháp rất “Chí Phèo”: không chịu thoát nghèo. Năm 2014, Bộ Lao động cho rằng cứ ba hộ thoát nghèo thì sẽ có một hộ tái nghèo hoặc xuất hiện hộ nghèo mới. Và không chỉ người dân mới “Chí Phèo”: ngay chính các địa phương cũng gặp phải tình trạng tương tự, khi tính đến tháng 3/2018 có 8/64 huyện thoát nghèo thì lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020.
Vợ và 2 con ông Viện, Phó trưởng CA xã Nga Thanh (Thanh Sơn, Thanh Hóa) được ghép vào hộ nghèo cụ Lê Thị Lưới để hưởng các chính sách. Ảnh: Lê Anh (Vietnamnet) |
Có những số liệu thậm chí còn rất đáng ngờ. Ví dụ Hà Giang, một tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, có 2.900 hộ tái nghèo thì Thái Bình là 2.506 hộ, hay trong khi cả tỉnh Lai Châu có 1.581 hộ thì Nam Định cũng có tới 3.738 hộ tái nghèo. Cả Thái Bình và Nam Định là hai địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng, lợi thế về nông nghiệp, thủ công nghiệp, và có nhiều nhà máy sản xuất được đặt tại đây.
Kết quả này hẳn không phải đến từ sự thiếu quan tâm. Số tiền huy động cho công cuộc xoá đói giảm nghèo luôn ở mức lớn: lĩnh vực này luôn nằm trong các chương trình mục tiêu quốc gia, và trong giai đoạn 2016 – 2020 được phân bổ hơn 40 nghìn tỷ đồng ở cấp trung ương. Trong năm 2016 và 2017, ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở,…Nếu tính cả nguồn lực xã hội hoá, tổng số vốn dự kiến chi cho nông thôn mới và giảm nghèo bền vững lên đến 212 nghìn tỷ đồng trong năm 2018.
Vấn đề có lẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực.
Chiến lược xoá đói giảm nghèo của nước ta trong thời gian qua được thực hiện theo kiểu hỏng ở đâu thì sửa ở đó, chứ không giải quyết câu chuyện tổng thể. Xử lý đói nghèo thì chỉ tập trung vào hộ nghèo, không quan tâm nhiều đến các yếu tố và đối tượng khác. Các hộ cận nghèo và các hộ vừa thoát nghèo đều có mức ưu đãi ít hơn hẳn so với những người chỉ kém họ mấy chục nghìn thu nhập. Cách làm này có hiệu quả khi xử lý nạn đói hoặc nghèo cùng cực, tức là khi người bị dồn vào bước đường cùng. Nhưng khi vượt qua giai đoạn đó, mà chúng ta đã làm rất tốt trong Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), thì việc đưa các hộ nghèo “thoát nghèo” trở nên khó khăn hơn nhiều.
Lý do là bởi hộ nghèo sẽ có ít động lực phấn đấu khi thấy thoát nghèo đồng nghĩa với việc mất đi rất nhiều quyền lợi, trong khi khả năng làm giàu bị hạn chế do thiếu hỗ trợ. Mảnh giấy chứng nhận hộ nghèo, bởi thế, sẽ không khác gì một tấm giấy bảo hiểm cho cuộc sống của họ. Khi chênh lệch về quyền lợi giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo/thoát nghèo quá lớn, thì tất yếu sẽ nhiều hộ lựa chọn giữ “đặc quyền” làm người nghèo.
Chính sách xoá đói giảm nghèo theo hướng đa chiều mới có những điểm tích cực, ví dụ như Quyết định 25/2018/QĐ-TTg bãi bỏ việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Việc giảm những chính sách hỗ trợ cho không, tăng hỗ trợ có điều kiện, cũng sẽ khuyến khích sự tham gia chủ động của người nghèo. Ngoài ra, cách làm này cũng sẽ tạo ra khoản vốn để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng khó khăn, tạo điều kiện cho người dân “làm giàu” thay vì chỉ “thoát nghèo”.
Gần đây, chính phủ có đưa ra một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, như giảm lãi suất cho vay, giảm 50% học phí cho học sinh của các gia đình cận nghèo. Tôi cho rằng đây là những bước đi đúng đắn để tiến đến xoá nghèo bền vững ở Việt Nam, bởi khi cơ hội “làm giàu” tăng lên, sẽ không ai muốn mãi là người nghèo.
Việc khuyến khích làm giàu thay vì “xoá nghèo” sẽ liên quan đến việc thay đổi quan điểm chủ đạo về ưu tiên chính sách. Hỗ trợ hiện vật hay tiền mặt sẽ dần được xoá bỏ, thay vào đó, nhà nước sẽ tạo điều kiện về hạ tầng tốt nhất, ưu đãi về dạy nghề và hướng dẫn sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ đầu ra,… để hộ nghèo chủ động thoát nghèo, hướng đến làm giàu.
Thực hiện điều này là không đơn giản, thậm chí còn khó hơn nhiều cách làm cũ, bởi cần có sự phối hợp của rất nhiều bên khác nhau. Xoá nghèo đa chiều đồng nghĩa với các biện pháp đa chiều. Ví dụ như ở nhiều vùng nông thôn, việc tiếp cận tín dụng còn hết sức khó khăn và người dân phải dựa nhiền vào “tín dụng đen” để phát triển sản xuất, tức là vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng, với chi phí và rủi ro rất cao. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hay Ngân hàng Nông nghiệp thì khó vay hoặc hạn mức quá thấp để họ sản xuất hiệu quả.
Đó là những bài toán mà các nhà xây dựng chính sách cần tìm ra lời giải để không chỉ giảm nghèo bền vững, mà còn hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta.
Nguyễn Khắc Giang
Người giàu phải biết khóc
Người giàu không thể không nhớ ba chữ: Giàu trách nhiệm. Người giàu phải biết khóc, mà phải biết khóc nhiều hơn.