Điện mặt trời không cứu được thiếu điện

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: Hiện tại, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 48.000 MW, song mức độ khả dụng chỉ là 39.000 MW.

“Với tốc độ tăng trưởng sử dụng điện trên 10%/năm, nghĩa là năm tới phải có thêm khoảng 4.000 MW nữa, tương đương cần 43.000 MW, không biết lấy đâu ra mà sẵn sàng”, ông Lâm nói tại buổi Toạ đàm: “Câu chuyện năng lượng” cách đây không lâu.

{keywords}
Điện mặt trời phát triển bùng nổ, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu với lượng điện thiếu hụt. Ảnh: Lương Bằng

Nhưng điện mặt trời lại không thể bù đắp được lượng điện thiếu hụt. Điều này được chứng minh bằng con số cụ thể.

Phó Tổng giám đốc EVN tính toán: Nếu lấy tổng lượng điện thương phẩm của năm 2019 là 212 tỷ kWh chia cho 365 ngày thì mỗi ngày cần khoảng 750 triệu kWh.

Trong khi đó, ngày cao điểm nhất gần đây là 21/8, công suất điện mặt trời đạt là 27 triệu kWh. Như vậy, lượng điện còn lại cần có sẵn sàng “bất kể ngày đêm” phải là  720-730 triệu kWh. Điện mặt trời quan trọng nhưng lúc cao điểm chỉ đáp ứng 27 triệu kWh/750 triệu kWh. Lượng còn lại phải bù vào bằng các nguồn điện truyền thống khác như điện than, điện khí, thuỷ điện.

Ngoài ra, nhắc tới điện mặt trời, ông Lâm không quên nhắc đến câu chuyện nan giải thời gian qua, đó là việc hấp thu nguồn điện này khi đường dây truyền tải ở một số khu vực “bùng nổ” điện mặt trời bị quá tải.

Thực tế, theo quy hoạch điện VII, nhiệt dự án nguồn điện đang lâm cảnh chậm trễ, không vận hành đúng thời gian, khiến nguy cơ thiếu điện ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than... nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu).

Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng xấp xỉ 5% nhu cầu), các năm 2024-2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi xanh.

{keywords}
Việt Nam từng có kế hoạch làm điện hạt nhân, nhưng năm 2016 phải dừng lại. Ảnh minh họa

Nguồn điện nào đủ sức giảm bớt nỗi lo thiếu điện?

Theo ông Võ Quang Lâm, đến tận năm 2025, dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện vẫn là trên 10%/năm. Để đáp ứng nhu cầu về điện, cơ cấu các nguồn điện truyền thống cần được quan tâm đúng mức, nghiêm túc. Hiện nay, năng lượng truyền thống hiện chỉ còn nhiệt điện than và nhiệt điện khí có thể nhìn tới.

Dù vậy, Phó Tổng giám đốc EVN cũng bày tỏ lo ngại: Trong bối cảnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc khai thác than khá khó khăn, công suất không lên được trong khi giá lại tăng lên, dẫn tới phải nhập khẩu than, khí.

“Nhập khẩu khí về phải hoá lỏng chứ không thể nhập khẩu khí tự nhiên, đi bằng tàu lại cần có cảng nước sâu. Có rất nhiều khó khăn, phải trông chờ vào đầu tư lớn, dài hạn thì chủ mỏ khí mới quyết định mở mỏ bởi mỏ khí cần đầu tư 5-7, thậm chí 10 năm mới có khí. Do vậy, cần phải tính toán quy hoạch sớm, chỗ nào làm được nhà máy khí, chỗ nào làm nhiệt điện than”, ông Lâm nói.

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có ý kiến liên quan đến điện hạt nhân ở Việt Nam.

Dù Quốc hội đã dừng việc làm điện hạt nhân, nhưng ông Nguyễn Quân cho rằng: Các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, chúng ta đang phải nhập khẩu than, sắp tới nhập khí hóa lỏng. Nhiệt điện cũng rất nhiều vấn đề, người dân nhiều nơi phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm. Thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn.

“Điện tái tạo rất giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Dù ta có nhiều điện mặt trời, điện gió thì phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo được”, ông Nguyễn Quân đánh giá.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo an an năng lượng, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần nghĩ đến một loại hình năng lượng chưa gì thay thế được, đó là là điện hạt nhân.

“Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng (điện hạt nhân), nhưng về lâu dài tôi lo một ngày nào đó chúng ta phải quay trở lại với điện hạt nhân”, ông Quân chia sẻ. 

Xung quanh câu chuyện nguồn điện của Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, nêu quan điểm: Việt Nam thiếu điện bắt đầu từ năm 2022-2023. Cho nê,n cần đẩy nhanh tiến độ của các nhà máy chậm tiến độ như nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú 1... ; đồng thời đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời. Như vậy đến năm 2022-2023 sẽ có thêm nguồn điện bổ sung vào hệ thống.

Còn về điện hạt nhân, TS Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng Việt Nam không nên bỏ hẳn việc phát triển nguồn điện này, mà cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào năm 2030.

"2030 khởi động lại thì khoảng 2035-2036 là có điện", TS Nguyễn Mạnh Hiến chia sẻ. Chuyên gia này cũng đánh giá "công nghệ của Nga và một số nước tiên tiến trên thế giới sẽ không xảy ra tình trạng nguy hiểm" và "không ảnh hưởng đến môi trường". 

"Việt Nam dừng lại điện hạt nhân nhưng không nên bỏ hẳn. Sau năm 2030, Việt Nam thiếu năng lượng nghiêm trọng. Trong khi đó, than đã hết phải nhập khẩu. Thủy điện cũng khai thác hết, chúng ta cũng sắp sửa phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Cho nên nếu tiếp tục không phát triển điện nguyên tử thì phải nhập khẩu rất nhiều khí hóa lỏng và than. An ninh năng lượng bị hạn chế rất nhiều", TS Nguyễn Mạnh Hiến đánh giá.

Lương Bằng 

Điện hạt nhân chưa gì thay thế được, đến lúc Việt Nam cần

Điện hạt nhân chưa gì thay thế được, đến lúc Việt Nam cần

Để đảm bảo an ninh năng lượng, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần nghĩ đến một loại hình năng lượng chưa gì thay thế được, đó là là điện hạt nhân.