Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhận xét, năm 2020 ngành cá tra “mắc cạn” vì lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Đến quý 3 năm 2021, dịch Covid-19 tại Việt Nam khiến ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra khó khăn trăm bề.
Dịch Covid lần thứ 4 bùng phát khiến chuỗi sản xuất đứt gãy. Toàn bộ chi phí đầu vào chi phí thức ăn, bao bì, phụ gia,... và chi phí chế biến “ba tại chỗ” làm tăng đáng kể giá thành nuôi trồng và chế biến. Chi phí cước tàu tăng 8-10 lần, ông dẫn chứng.
Khép lại năm 2021 đầy sóng gió, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt khoảng 1,54 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ so năm 2020.
Song, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng ở tất cả các thị trường |
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra đã hồi sinh mạnh mẽ ở tất cả các thị trường. Đặc biệt, tại một số thị trường chủ lực ghi nhận sự bứt phá, tăng trưởng ở mức 3 con số.
Cụ thể, tính đến hết tháng 2/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các DN Việt Nam.
Đáng chú ý, tại thị trường Trung Quốc - Hongkong, bất chấp chính sách kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh, xuất khẩu cá tra vẫn đạt 85,8 triệu USD, tăng xấp xỉ 240% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, Trung Quốc - Hongkong đang là khách hàng đứng vị trí thứ 2 của cá tra Việt xuất khẩu, chiếm 22,3%.
Ở khối thị trường CPTPP, trong hai tháng đầu năm nay xuất khẩu cá tra thu về 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuơng tự, sau hai năm liên tục sụt giảm tại thị trường EU, thì từ đầu năm đến xuất khẩu cá tra lấy lại được đà tăng trưởng. Hết 2/2022, xuất khẩu cá tra đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các thị trường chính, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Thái Lan, UAE, Anh,... cũng đạt được mức tăng trưởng tốt.
Người dân không nên thả nuôi ồ ạt, phải gắn với thị trường để tránh cung vượt cầu. |
Chuyên gia thị trường cá tra Tạ Hà của VASEP nhận định, xuất khẩu cá tra đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Tại thị trường Mỹ, sau khi DOC công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu, Việt Nam có thêm DN xuất khẩu được hưởng mức thuế 0% sang thị trường này. Nhờ đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác cũng được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Thị trường xuất khẩu phục hồi đẩy giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng lên 30.000 đồng/kg, giúpi nông dân có lãi khoảng 5.000 đồng/kg.
Song, nhiều người nuôi cá tra tại ĐBSCL chia sẻ, dù giá cá tra tăng cao nhưng trên thực tế, họ không còn hoặc còn rất ít cá nguyên liệu để bán. Bởi, sau một thời gian dài thua lỗ nặng, nhiều hộ đã treo ao, giảm diện tích nuôi dẫn đến nguồn cung cá nguyên liệu thiếu hụt, giá tăng.
Hiện, nhiều hộ dân đang có xu hướng tăng nhanh diện tích nuôi, kéo theo giá cá giống tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến cá tra nhận định, giá cá tra tăng chỉ là ngắn hạn, thị trường vẫn chưa ổn định.
Nếu nóng vội nuôi theo phong trào, không gắn với thị trường thì sẽ đối mặt với nguy cơ giá cá nguyên liệu giảm, mất cân đối cung cầu. Việc này cũng đã từng xảy ra năm 2018, khiến giá mặt hàng này 3 năm sau đó giảm liên tục.
Chưa kể, nhiều nước đẩy mạnh nuôi cá tra, sản lượng toàn cầu năm 2022 sẽ vượt mốc 3 triệu tấn. Như vậy, con cá tra Việt Nam sẽ gặp nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Tâm An
Bật dậy sau khi tụt đáy 5 năm, món hàng tỷ USD đột phá sang Trung Quốc
Ảnh hưởng do chính sách “zero Covid”, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc rơi xuống đáy trong 5 năm qua. Thế nhưng, 2 tháng năm 2022, thế mạnh Việt lại tạo ra cú đột phá tại thị trường 1,5 tỷ dân này.