Thời gian gần đây, tình trạng mua bán người diễn ra với nhiều phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn.

Theo đó, các đối tượng mua bán người có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương trong nước và người nước ngoài để hình thành các đường dây phạm tội khép kín. Tình trạng mua bán người còn diễn ra ngay trong nội địa núp bóng dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (kinh doanh trò chơi, băng đĩa, nhà nghỉ, quán bar, karaoke, massage...). 

Tội phạm mua bán người thường tìm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết hoặc các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; lập các nhóm kín “nhận con nuôi, mang thai hộ”; tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”... 

Sau khi con mồi “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê... Khi nạn nhân không chịu được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Tanh Hoá
Công an Thanh Hoá tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân trên địa bàn.

Để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, lực lượng công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người. Đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, triển khai các kế hoạch, phương án nhằm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý, kiềm chế hoạt động tội phạm mua bán người và giải cứu nạn nhân bị mua bán. 

Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, bằng nhiều hình thức kết hợp với vận động người dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho nạn nhân thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo... 

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an trong tỉnh Thanh Hoá đã điều tra, bắt giữ 2 vụ mua bán người. 

Điển hình, ngày 11/6/2024, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện, bắt quả tang Phạm Thị Hằng, sinh năm 1986, ở xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn đang giao dịch bán bé gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, đường Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa.

Do hoàn cảnh khó khăn nên một phụ nữ đang mang thai có lên hội nhóm “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi” để liên hệ tìm người nuôi con sau khi sinh. Khi liên hệ được với Phạm Thị Hằng qua Facebook, Hằng hứa hẹn sẽ trả toàn bộ viện phí và chi phí cho người phụ nữ này bắt xe từ Thái Nguyên vào Thanh Hóa.

Trong thời gian này, Hằng đã liên hệ và bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn. Kiểm tra nơi ở của Phạm Thị Hằng, lực lượng công an phát hiện Hằng đang nuôi 3 phụ nữ đang mang thai. Hằng thỏa thuận với họ là sau khi sinh sẽ liên hệ làm thủ tục cho con nuôi và trả mỗi người 10 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa còn thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến hành vi mua bán người dưới 16 tuổi của Phạm Thị Hằng dưới hình thức chuyển khoản. 

Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho hay, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Vì vậy, đẩy mạnh hơn nữa các hình thức và chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của nhân dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm của người dân; xây dựng các mô hình, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi của các đối tượng. Không tin tưởng vào những lời dụ dỗ về công việc nhàn hạ nhưng có thu nhập cao ở nước ngoài. Khi có nhu cầu xuất cảnh, cần đi bằng còn đường chính ngạch để được bảo hộ hợp pháp cũng như đảm bảo quyền lợi bên nước ngoài.