Hiện nay, dân số trong độ tuổi thanh niên trên thế giới nhiều hơn bao giờ hết. Với gần 2.4 tỷ người, đây là thế hệ lớn nhất trong lịch sử. Trong số 281 triệu người di cư quốc tế thì có khoảng 11,3% dưới 24 tuổi. Trong khi đó, tại Việt Nam, có hơn 22 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 và nhiều người trong số họ cân nhắc lựa chọn rời quê nhà để tìm kiếm cơ hội làm việc và học tập tốt hơn.

phong chong mua ban nguoi.jpg
Sự năng động, sáng tạo và hiểu biết về công nghệ định vị thanh niên ở một vị trí độc đáo để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm đẩy lùi mua bán người trong thời đại kỹ thuật số. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, thế hệ thanh niên ngày nay phải đối mặt với thực tế có nhiều lợi hại đan xen trong cuộc chiến chống mua bán người. Là những người sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, thanh niên ngày càng dễ bị các đối tượng mua bán người lợi dụng nền tảng trực tuyến săn lùng và tìm kiếm.

Nhưng cũng chính thế hệ này lại nắm giữ sức mạnh thúc đẩy sự thay đổi. Sự năng động, sáng tạo và hiểu biết về công nghệ định vị thanh niên ở một vị trí độc đáo để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm đẩy lùi mua bán người trong thời đại kỹ thuật số.  

Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Mua bán người (30/7) năm 2024, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, bà Park Mi-Hyung, đã cùng các Đại sứ đến từ Australia, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Tham tán Chính trị và Quan hệ công chúng Canada gửi một bức thư chung tới thanh niên Việt Nam, trong đó kêu gọi tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa vào giáo dục để trang bị kiến ​​thức và kỹ năng cho thế hệ thanh niên.

Bức thư hy vọng sẽ truyền động lực cho những người trẻ tuổi phát huy tối đa sức mạnh của mình khi đối diện với các mối đe dọa cấp bách từ mua bán người và khuyến khích họ lãnh đạo một phong trào toàn cầu mang lại sự thay đổi mang tính đột phá.  

Đây cũng là cơ hội để tập trung sự chú ý vào trẻ em – nhóm chiếm tỷ lệ đáng kể trong số nạn nhân bị mua bán trên toàn thế giới, trong đó trẻ em gái là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo UNODC, trung bình cứ ba nạn nhân bị mua bán trên toàn cầu thì có một trẻ em – ở một số khu vực tỷ lệ này cao hơn nhiều – và trẻ em có khả năng phải đối mặt với bạo lực cao gấp đôi so với người lớn khi bị mua bán.

Nghiên cứu của IOM cũng chỉ ra rằng không có nhóm tuổi, giới tính hay quốc tịch nào không thể là nạn nhân bị mua bán. Trong hơn 50% các trường hợp mua bán người thì thành viên trong gia đình hoặc bạn bè lại là những người có liên quan. Các nền tảng trực tuyến ngày càng phát triển cũng khiến các đối tượng mua bán người dễ dàng tiếp cận trẻ em đồng thời cũng giúp chúng khó bị phát hiện hơn.