Trong kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thay đổi hình thức làm việc góp phần phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thành Hóa mới ban hành, lãnh đạo UBND tỉnh này cũng chỉ đạo đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, hoàn thiện các phần mềm, đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước  và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các cơ quan nhà nước của Thanh Hóa được yêu cầu phải sử dụng phần mềm dùng chung, các giải pháp làm việc, giao ban, hội nghị từ xa để điều hành xử lý công việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kịp thời và an toàn.

Cụ thể, để chuyển đổi hình thức làm việc, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thanh Hóa sử dụng các phần mềm chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc từ xa như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office); Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã để xử lý giải quyết thủ tục hành chính; Phần mềm theo dõi nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho cơ quan, đơn vị; Hệ thống hòm thư công vụ để trao đổi công việc, gửi nhận các tệp văn bản góp ý, dự thảo, tham khảo…

Cùng với đó, các cơ quan nhà nước tại Thanh Hóa cũng tổ chức các hội nghị, giao ban không giấy tờ và kết nối trực tuyến (e-Cabinet), tích hợp kết nối hạ tầng Internet có kiểm soát thông qua trang thiết bị cầm tay như laptop, iPad, smartphone… đến từng cá nhân để dự hội nghị, giao ban ở mọi lúc mọi nơi.

Một giải pháp để tổ chức hội nghị, giao ban từ xa mà các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thanh Hóa có thể chọn dùng là sử dụng hệ thống phòng họp trực tuyến hiện có của tỉnh, phát huy tối đa, tăng hiệu suất các phòng họp trực tuyến đã đầu tư tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời có thể trưng dụng các phòng họp trực tuyến của các tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp khẩn cấp.

Kế hoạch mới của UBND tỉnh Thanh Hóa còn đưa ra các biện pháp để ứng dụng, thay đổi cách làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, phục vụ quản lý khu dân cư, an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, với lĩnh vực y tế, Thanh Hóa triển khai Trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Covid-19 tỉnh và các ứng dụng trên nền tảng di động. Đây là kênh thông tin của Ban chỉ đạo, nơi giao tiếp, cung cấp kịp thời cho người dân, xã hội.

Ngoài việc cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, trợ giúp công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Covid-19 tỉnh cũng tích hợp một số công cụ hỗ trợ người dân từ xa; thu thập ý kiến phản ánh của người dân về nghi ngờ người nhiễm bệnh, đi từ vùng dịch…

UBND tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong việc đăng ký, đặt lịch khám từ xa; triển khai các giải pháp khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế; đẩy mạnh tư vấn trực tuyến và thanh toán các phí trực tuyến để hạn chế tập trung đông người tới các cơ sở y tế.

Đồng thời, nghiên cứu những giải pháp tự động hóa trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, hạn chế tiếp xúc gần phòng lây chéo từ người bệnh sang đội ngũ cán bộ y tế. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo y tế tự nguyện qua ứng dụng NCOVI với người dùng thiết bị di động hoặc qua các trang tokhaiyte.vn, suckhoetoandan.vn trên giao diện web.

Với lĩnh vực giáo dục, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học trong các nhà trường; triển khai các giải pháp học trực tuyến, góp phần phòng, chống dịch Covid19 và hướng tới triển khai mô hình trường học thông minh trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích các thầy, cô giáo tăng cường sử dụng các phần mềm học trực tuyến miễn phí để triển khai các lớp học, môn học trực tuyến cho học sinh, hạn chế tụ tập đông người.