Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ở nước ta, mồng tơi là loại rau ăn rất phổ biến. Đây là loại cây thảo leo có thân quấn, mập, nhớt. Mồng tơi không chỉ là món rau thơm ngon nó là bài thuốc hữu ích có nhiều công dụng.

Lá tươi của rau mồng tơi chứa nhiều vitamin (chủ yếu là vitamin A và B), cây chứa protein, calcium, sắt, vitamin, chất nhầy. Chất nhầy pectin của mồng tơi giúp phòng chữa nhiều bệnh, chống béo phì, có tác dụng hấp thu cholesterol. 

Theo quan niệm của Đông y, rau mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, táo bón, giải độc. Loại cây này thường được dùng để chữa táo bón, tiểu tiện khó, tiêu chảy ra máu, da nổi ban, mụn nhọt.

Vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết với những bữa tiệc tùng triền miên, việc sử dụng rau mồng rơi rất tốt cho sức khỏe. Bác sĩ Vũ cho rằng cách đơn giản nhất bạn có thể sử dụng loại rau này là nấu canh ăn hằng ngày như canh ngao mồng tơi, canh cua, mồng tơi xào tỏi, luộc. Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ tư vấn một số bài thuốc với loại rau này: 

Trị táo bón: 500g mồng tơi, thêm mắm muối, tương, giấm, nấu thành món canh ăn trong bữa cơm. Mồng tơi còn có thể thay thế cho các loại thuốc nhuận tràng. Loại rau này thúc đẩy tiêu hóa bằng cách bổ sung chất nhầy và chất xơ hòa tan, tạo điều kiện để người bị táo bón đại tiện thuận lợi và dễ dàng hơn.

Mồng tơi là loại rau phổ biến và có nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Đại tiện ra máu: Rau mồng tơi 30g, gà mái già 1 con. Cách làm: Gà bỏ đầu, chân, nội tạng, hầm lên, sau khi thịt gà chín, cho mồng tơi vào nấu thêm 20 phút.

Chảy máu mũi do huyết nhiệt: Giã nát mồng tơi tươi, dùng bông thấm nước cốt, nhét vào lỗ mũi. 

Trị mụn nhọt, làm đẹp da: Lá mồng tơi giã hoặc xay nhuyễn (không cho thêm nước), trộn với ít muối đắp lên mụn. Lá mồng tơi non ở đầu nhánh, giã nát lấy nước cốt, thêm ít muối, thoa lên da mặt sau rửa sạch sẽ giúp làm đẹp da.

Trị đầy bụng: Rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, khoai sọ 1 củ nấu canh ăn vài ba ngày hoặc dùng 4 loại rau sau đây với lượng bằng nhau nấu canh là mồng tơi, đay, rau khoai, rau má.
 
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý mồng tơi có tính hàn nên người có tỳ vị hư hàn không nên dùng nhiều. Các món ăn bài thuốc từ rau mồng tơi sau khi chế biến nên ăn hết trong ngày, tránh để qua đêm gây biến chất, ngộ độc.