Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%. Số liệu qua nền tảng thanh toán Payoo cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của hình thức này với mức tăng của quý 3/2022 là 62% về số lượng và 53% về giá trị so với quý 2/2022. Các nhóm có tỉ lệ tăng trưởng thanh toán bằng mã QR mạnh mẽ nhất là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhóm thực phẩm - đồ uống (F&B) và nhóm công nghệ. 

Không khó lý giải vì sao người tiêu dùng yêu thích việc thanh toán bằng mã QR - chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, vài thao tác đơn giản, người dùng có thể thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, cách xa về mặt địa lý nhanh chóng thông qua hệ sinh thái của dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas, hoàn toàn tự động 24/24 và nhanh chóng. Mặt khác, hình thức thanh toán này giúp người dân thuận tiện hơn trong việc mua sắm mà không phải cầm quá nhiều tiền mặt, hạn chế được các tình trạng mất cắp, rơi tiền,...

Trong cuộc đua thanh toán điện tử, thanh toán qua ứng dụng mã QR bứt tốc rất nhanh vì chi phí đầu tư rẻ và triển khai nhanh chóng. Ảnh: Linh Đan

Các chuyên gia tài chính nhận định rằng, trong cuộc đua thanh toán điện tử, thanh toán qua ứng dụng mã QR bứt tốc rất nhanh vì chi phí đầu tư rẻ và triển khai nhanh chóng. Theo đó, chỉ cần đầu quét của máy bán hàng, một chiếc điện thoại hay thậm chí một mã QR được đặt cố định tại quầy, người dùng có thể thanh toán xong một đơn hàng. Hình thức thanh toán qua mã QR đang rất thành công ở các nước Châu Á và Trung Quốc là nước đi đầu.

Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thanh toán bằng mã QR trong xã hội, nhiều đơn vị Fintech, trung gian thanh toán cũng phát triển các giải pháp thanh toán mới trên công nghệ mã QR, giúp đơn giản hóa quy trình, tối ưu hóa vận hành và đặc biệt là giảm chi phí xử lý giao dịch.

Tiềm năng phát triển thanh toán qua ứng dụng mã QR còn nhiều khi Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành. Thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng cho biết, tính đến tháng 9, Việt Nam có hơn 81,8 triệu thuê bao Internet di động. Đây là cơ sở để thanh toán mã QR có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Phương thức chuyển khoản thanh toán mới bằng mã QR rất nhanh và thuận tiện mà không cần phải ghi nhớ số tài khoản và cú pháp chuyển tiền như phương thức chuyển khoản truyền thống. Các ứng dụng ngân hàng số của những ngân hàng lớn tại Việt Nam đều đáp ứng tính năng chuyển khoản thanh toán bằng mã QR. Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính, phương thức chuyển khoản thanh toán bằng mã QR của Payoo có thể mở rộng để phục vụ các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, có khối lượng giao dịch lớn.

Theo vị đại diện MoMo: Phương thức thanh toán, chuyển trả tiền bằng mã QR rất nhanh và đơn giản, khách hàng không cần phải nhớ nhiều thông tin phức tạp như các phương thức chuyển khoản truyền thống khác. Thông qua 2 chương trình ưu đãi mới nhất, MoMo không chỉ đồng hành giúp các tiểu thương, hộ kinh doanh tiếp cận xu hướng thanh toán bằng mã QR, tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn xây dựng thói quen thanh toán, chuyển trả tiền qua mã QR với từng cá nhân người dùng, từ đó góp sức vào mục tiêu thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cả cho người dân và nền kinh tế. Khi thanh toán không dùng tiền mặt trước hết giảm được rất nhiều chi phí cho ngành tài chính. Cùng với đó còn giúp chống lại việc thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch. 

Hiện nay, việc sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến đang trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và dần từng bước phát triển, lan rộng ở nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, khi thị trường có thêm nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt mới đòi hỏi các đơn vị tham gia phải không ngừng đổi mới về công nghệ, sản phẩm, nhất là an toàn, bảo mật để tạo niềm tin cho người dùng.