Một số doanh nghiệp trước đây chủ yếu bán lẻ qua trang web cá nhân nhưng kết quả kém khả quan. Nhưng khi họ quyết định đưa hàng vào các hệ thống phân phối hiện đại và các sàn thương mại điện tử thì việc kinh doanh đã khởi sắc. Việc này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, từ tác động của đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp Việt đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển bán hàng đa kênh, đồng thời tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ hoặc liên kết cùng nhau đến tận tay người tiêu dùng, giúp giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo cả năm nay, mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ dao động trong khoảng 14-17%. Sức mua của người tiêu dùng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhất, có thể đóng góp 30-40% doanh số cả năm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất tận dụng cơ hội thị trường nếu có những chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Không chỉ kinh doanh nội địa mà việc kinh doanh đa kênh còn giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực xuất nhập khẩu.

Muốn đưa hàng vào siêu thị, kênh thương mại điện tử uy tín thì nhà sản xuất cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng, phải có giấy phép hoạt động kinh doanh, cơ sở được chứng nhận bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phải bảo đảm nguồn cung ứng liên tục, duy trì số lượng, chất lượng ổn định...

Tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thúc đẩy các doanh nghiệp ở Việt Nam chuyển sang sử dụng kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng. Ảnh: Linh Đan

Thương mại điện tử đang là xu hướng chính trong quan hệ giao thương hiện nay. Theo thống kê Việt Nam hiện có quy mô dân số hơn 100 triệu dân và tốc độ sử dụng Internet thuộc top đầu thế giới. Hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong đó 53% người dân sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng. Riêng tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát có 81% người tham gia cho biết việc mua hàng trực tuyến đã trở thành thói quen; 85% người khảo sát cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng online kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát; có 59% người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần .Người tiêu dùng của Việt Nam khá ưa chuộng hàng nội địa khi có 52% người tham gia khảo sát có xu hướng lựa chọn sản phẩm nội địa. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 29% và năm 2025 có thể đạt giá trị 57 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam được cho là sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thúc đẩy các doanh nghiệp ở Việt Nam chuyển sang sử dụng kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng, chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số tăng 23% vào năm 2021 so với năm trước và dự kiến ​​tăng 14% lên 934 triệu USD vào năm 2022. 

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á lần đầu tiên mua hàng trực tuyến qua các trang web (43%) và mạng xã hội (35%). Mua sắm qua mạng xã hội cũng trở nên phổ biến hơn ở Philippines (45%), Thái Lan (44%) và Việt Nam (44%), với gần một nửa người tiêu dùng được khảo sát ở mỗi thị trường cho biết đây là lần đầu tiên họ mua sắm trên mạng xã hội.

Theo kết quả khảo sát, có 77% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát đều bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ các ngân hàng số; trong đó, có 31% người tiêu dùng đã sử dụng những dịch vụ này. Động lực thúc đẩy áp dụng các hình thức thanh toán số xuất phát từ sự tiện lợi. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào và không cần phải đến ngân hàng. Dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất với tỷ lệ sử dụng khoảng 72% và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè có 67% người dùng. Đồng thời, cũng có ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường như: thanh toán sinh trắc học là quét vân tay, nhận dạng giọng nói/khuôn mặt hoặc quét võng mạc... Hiện có 83% người tiêu dùng trong nước đã biết đến những phương thức thanh toán này và đa số cũng đều từng có những trải nghiệm. Thẻ không số cũng dần được nhận biết khi 62% người tiêu dùng và có tới 77% người tiêu dùng sẽ sử dụng cho các giao dịch trong tương lai.