Tai nạn bất ngờ

Thầy Lu Wenjian thường bắt đầu ngày mới với một lịch trình cố định: Thức dậy trước khi mặt trời mọc và đi đến ngôi trường nông thôn nơi thầy làm việc.

hinh 1 6.png
Thầy Lu Wenjian kể lại những câu chuyện Lịch sử kèm theo một nhạc cụ bằng tre trong lớp học.

Nắm chặt cây gậy, thầy giáo khiếm thị bước dọc theo con đường quen thuộc cạnh cánh đồng lúa mì. Tư thế của thầy đang khom lưng nhưng tốc độ rất nhanh. Vài giờ sau, học sinh bắt đầu vào lớp đọc sách và thầy giáo đã đợi sẵn ở đó. Đó là thói quen mà thầy Lu, 50 tuổi, đã hình thành trong gần ba thập kỷ giảng dạy, theo Tân Hoa Xã.

 “Mặc dù lớp Lịch sử của tôi không có trong thời khóa biểu buổi sáng, nhưng tôi thường đến sớm vì tôi thích nghe học sinh đọc to những đoạn văn trong sách”.

Thầy là giáo viên Lịch sử tại Trường THCS số 3 của thị trấn Tuyên Tông ở TP Thương Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở một ngôi làng hẻo lánh, Lu bắt đầu quan tâm đến Lịch sử khi còn là một thiếu niên và sau đó được nhận vào Trường Sư phạm Thương Châu (nay là ĐH Sư phạm Thương Châu) ở tuổi 19. 

Sau khi tốt nghiệp, Lu làm giáo viên ở một trường học địa phương. Mới đi dạy, thầy giáo trẻ thường làm việc đến tận đêm khuya, dẫn đến mỏi mắt và suy nhược. Kết quả là mắt trái của thầy bị suy giảm thị lực và không thể đọc được chữ.

Vấn đề về thị lực của Lu ngày càng xấu đi và tầm nhìn ngày càng mờ đi. Thầy bị mất phần lớn thị lực ở mắt trái và bị bong võng mạc dẫn đến mù mắt phải. Năm 23 tuổi, Lu hoàn toàn mất thị lực. “Đó là vào tháng 10/1994. Sau một cơn sốt, một ngày nọ, tầm nhìn của tôi đột nhiên mờ đi và tôi không thể nhìn rõ”, thầy giáo nhớ lại.

hinh 2 6.png
Thầy Lu đặt câu hỏi cho học sinh bằng cách lật lá bài trong lớp.

“Lúc đó, các bác sĩ khuyên tôi nên nghỉ dạy, nói rằng nếu tiếp tục lạm dụng mắt, tôi có thể bị mù hoàn toàn. Nghe chẩn đoán và thấy bóng tối trước mắt dường như đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp giáo dục của tôi”, thầy kể. 

Sự đồng hành của người bạn đời

Tuyệt vọng, Lu cân nhắc việc nghỉ việc. Tuy nhiên, biết được hoàn cảnh của bạn trai, bạn gái của thầy Lu là Zhang Jiuying đã đến bên cạnh để bầu bạn và hỗ trợ bạn trai. Cô đề nghị đọc to SGK Lịch sử cho Lu nghe để giúp anh ghi nhớ thông tin và chuẩn bị bài học. Vượt lên định kiến và bàn tán, họ kết hôn ngay sau đó, theo Nhân dân Nhật báo.

Biết được hoàn cảnh của thầy, một số học sinh đã đến thăm thầy và động viên thầy tiếp tục làm việc, giống như cách Lu đã từng khuyên họ. “Thật khó khăn nhưng tôi cố gắng hết mình vì học sinh của mình”.

Để giúp chồng chuẩn bị cho bài học, vợ thầy Lu đọc từng chương sách cho đến khi thầy có thể nhắc lại. Một số học sinh của ông cũng tình nguyện đọc sách cho ông trong giờ giải lao giữa các lớp.

hinh 3 4.png
Thầy Lu (thứ 2 từ phải sang) đi dạo cùng học sinh tại trường học.

“Với tình trạng đặc biệt của tôi, nhà trường đã cho phép tôi không cần viết trước giáo án, nhưng tôi đã có sẵn kế hoạch đó trong đầu. Tôi luôn sắp xếp trước thiết kế lớp học, phần mở đầu, câu chuyện nào được trích dẫn và cách kết thúc lớp học".

Bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của những người xung quanh, thầy Lu không chỉ có thể học thuộc lòng từng từ trong SGK mà còn có thể biến lớp học thành “sân khấu” của mình. Trong lớp, thầy hát những bài hát lấy cảm hứng từ những câu chuyện về các nhân vật lịch sử, hát theo nhịp điệu của Kuaiban, một loại nhạc cụ bằng tre.

 “Tôi phải làm cho lớp học của mình trở nên sinh động và thú vị để học sinh theo dõi tôi vì tôi không thể quan sát phản ứng của các em bằng mắt”.

Wang Ziwei, học sinh lớp 9, cho biết các lớp học của thầy Lu rất hấp dẫn. “Trong lớp, thầy thường kể những câu chuyện kèm theo Kuaiban, kể chuyện cười và đặt câu hỏi ngẫu nhiên cho chúng tôi bằng cách lật bài để tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia”.

Cuộc sống viên mãn

Sau giờ học, thầy Lu cũng chơi bóng rổ và trò chuyện với học sinh. Thầy cũng thích luyện tập thư pháp trên bảng đen.

hinh 4 1.png
 Thầy Lu dùng bữa tối ở căng tin với học sinh.

Ông cho biết đã có hơn 4.000 học sinh đọc sách cho ông. 

"Mặc dù thị lực kém nhưng thầy không từ bỏ việc dạy học. Em từng thắc mắc nguồn sức mạnh nào đã thôi thúc thầy tiếp tục sự nghiệp giảng dạy, thầy nói nguồn sức mạnh đó là chúng em. Mắt em rưng rưng và lòng tràn đầy kính trọng. Thầy đã dạy chúng em rằng không nên bỏ cuộc ngay cả khi cuộc sống tàn khốc", học trò Yin Xiaoxiao viết. 

Vào tháng 3/2021, vợ của Lu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết. Lu kể từ đó phải di chuyển giữa bệnh viện và trường học. Tuy nhiên, mỗi lần xuất hiện trước mặt học sinh, thầy đều giấu đi sự mệt mỏi và dạy học với phong thái vui vẻ thường ngày.

“Luôn có cách thoát khỏi mọi rắc rối, vì vậy tốt hơn hết là hãy đối mặt với nó một cách tích cực”, thầy Lu nói, tóm tắt triết lý của mình.

Trong những năm qua, thầy cũng quyên góp hơn 30.000 NDT (khoảng hơn 100 triệu đồng) để trợ cấp cho các sinh viên thuộc các gia đình gặp khó khăn về tài chính. Ông cũng thành lập một quỹ học bổng để khen thưởng cho những học sinh có sự tiến bộ. Nhiều học sinh của thầy được nhận vào các trường đại học danh tiếng.

 “Tôi nghĩ một số câu chuyện Lịch sử có thể truyền cảm hứng cho con người phát triển, khơi dậy tiềm năng, khiến các em phát huy được khả năng của mình. Đồng thời, bản thân tôi cũng được truyền cảm hứng khi trải qua những cảm xúc tiêu cực và bi quan khi suy giảm thị lực”, thầy Lu nói về niềm đam mê với môn Lịch sử.

“Nhà tôi có 2 con, con trai lớn sau khi tốt nghiệp ĐH đã lập gia đình, con trai thứ vừa tốt nghiệp cao học nên tôi không cần phải lo lắng nhiều. Bây giờ vợ tôi sức khỏe không tốt, tôi sẽ dành nhiều tâm sức hơn để chăm sóc bà ấy và sẽ tiếp tục công việc giáo viên của mình”, thầy Lu nói về dự định tương lai.

Tử Huy