Vào mùa thi đại học, thầy Trương Tuyết Phong - giáo viên chuyên luyện thi ở Trung Quốc, lại trở thành tâm điểm chú ý với những lời khuyên về chọn trường và ngành học. Ngoài ra, dịch vụ điền hộ đơn đăng ký nguyện vọng do công ty giáo dục của thầy Phong cung cấp cũng thu hút phụ huynh, học sinh.
Theo AI Media Consulting, quy mô dịch vụ tư vấn tuyển sinh năm 2023 ở Trung Quốc đạt 950 triệu NDT (3.332 tỷ đồng), gấp 7,3 lần so với năm 2016. Kết quả khảo sát của Red Star News cũng cho thấy, dịch vụ này dần phổ biến từ thành phố lớn đến khu vực nông thôn.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc sử dụng dịch vụ này vì gặp khó khăn trong việc cập nhật đầy đủ thông tin xét tuyển. Họ cho rằng, chuyên gia tư vấn uy tín sẽ giúp các gia đình tiết kiệm thời gian, công sức và tránh mâu thuẫn với con khi chọn trường và ngành học.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dịch vụ này không cần thiết nên phụ huynh có thể cân nhắc trước khi sử dụng. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng 'cơn sốt' của dịch vụ tư vấn tuyển sinh đại học vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, dịch vụ đặt chỗ tư vấn cho năm 2026 của công ty này 'đã cháy' hay khoá học tư vấn chọn trường trị giá 20.000 NDT (70 triệu đồng) cũng hết, tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo Red Star News cập nhật, ngày 14/6, 'thẻ ước mơ' tư vấn chọn trường năm 2024 của công ty có 2 loại 11.999 NDT (42 triệu đồng) và 17.999 NDT (63 triệu đồng), đã bán hết ở các thành phố ngoại trừ An Huy, Sơn Đông và Nội Mông (Trung Quốc). Theo mô tả, dịch vụ này sẽ do giáo viên trong công ty giáo dục của thầy Phong tư vấn.
Dù dịch vụ không do thầy Phong trực tiếp hướng dẫn nhưng hơn 20.000 suất đã được mua hết sau 3 tiếng mở bán. Điều này cho thấy, nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung không đủ. Theo đó, chỉ tính riêng dịch vụ trên, công ty giáo dục của thầy giáo này thu về hơn 200 triệu NDT (701 tỷ đồng) lợi nhuận trong thời gian ngắn.
Ngoài tư vấn tuyển sinh và điền hộ đơn đăng ký, công ty Khoa học và Công nghệ giáo dục Phong Học Uý Lai (Tô Châu, Trung Quốc) của thầy Phong, còn cung cấp khoá học luyện thi trực tuyến (online) với giá 599 NDT (2,1 triệu đồng) và dịch vụ dự báo điểm tuyển sinh trị giá 8.999 NDT (31 triệu đồng).
Xoay quanh câu chuyện này, có người cho rằng, các gia đình ở Trung Quốc lãng phí tiền bạc để mua những thông tin không cần thiết. Người khác lại bày tỏ quan điểm, thầy Phong đang kinh doanh quá đà. Họ cho rằng, thầy có thể thực hiện những công việc này miễn phí hoặc nếu có chỉ thu phí thấp.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều, vẫn có nhiều phụ huynh chấp nhận bỏ số tiền lớn cho dịch vụ này. Điển hình là cô Phùng - giáo viên một trường THPT ở Trung Quốc, cho biết, đã chi 6.000 NDT (21 triệu đồng) chỉ để mua dịch vụ điền hộ đơn đăng ký nguyện vọng cho con trai năm 2024.
Hiện, cô và con trai đã có buổi trao đổi đầu tiên với người hướng dẫn. Họ đang chờ điểm thi công bố để chốt phương án đăng ký chính thức. Bản thân là giáo viên cấp 3, không khó để cô Phùng cùng con điền vào đơn đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên, cô cho biết, những thông tin của đơn đăng ký quá phức tạp và có nhiều nội dung cần chú ý nên quyết định chi tiền cho dịch vụ này.
Mặt khác, những thay đổi trong các chuyên ngành và nhu cầu thị trường việc làm tương lai phức tạp, khiến cô Phùng và nhiều phụ huynh khác khó nắm bắt. Hơn nữa, theo cô Phùng, đây là thời điểm nhạy cảm khi có bên thứ ba phối hợp, trẻ sẽ lựa chọn thấu đáo thay vì chỉ dựa vào cảm xúc.
Cô Hàn - một phụ huynh từng mua dịch vụ tư vấn tuyển sinh cho con, chia sẻ, quy trình ngày càng phức tạp, nhiều thông tin phải cập nhật. "Nhiều phụ huynh có thời gian nghiên cứu nhưng cũng có người bận không đủ tâm sức để thực hiện. Do đó, việc mua dịch vụ tư vấn tuyển sinh và điền hộ đơn đăng ký nguyện vọng cho con là sự lựa chọn sáng suốt".
Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ huynh Trung Quốc biết đến dịch vụ này và sẵn sàng bỏ ra chi phí lớn. Theo dữ liệu của Tianyancha, chỉ cần gõ từ khóa 'dịch vụ điền hộ đơn đăng ký nguyện vọng', có thể tìm thấy 1.689 công ty hoặc trung tâm giáo dục liên quan đang làm công việc này. Trong đó, có 1.180 cơ sở được thành lập trong vòng 5 năm đổ lại đây.
Trước thực trạng trên, tháng 3/2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các trường học, giáo viên và cơ sở đào tạo ngoài khuôn viên trường hợp tác để tìm kiếm lợi ích, thông qua việc tư vấn tuyển sinh và điền hộ đơn đăng ký nguyện vọng.
Bộ giáo dục nước này yêu cầu các trường không ép phụ huynh và học sinh điền vào đơn đăng ký tư vấn tuyển sinh mất phí. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh, để làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và hỗ trợ thí sinh điền đơn đăng ký nguyện vọng, mỗi địa phương phải chủ động lập kế hoạch cụ thể để cải thiện tình trạng trên.