Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng để học sinh có những tháng ngày an vui hạnh phúc ở mái trường. Hạnh phúc của các em lệ thuộc hoàn toàn vào thầy cô. Bởi thầy cô thường là thần tượng của các em.

Theo ông Phú hiện nay, chúng ta vẫn còn nghe thấy sự sợ hãi của các em về nhà vệ sinh, về thầy giám thị hay không muốn nhắc tên cô bảo mẫu. Trên facebook các em chia sẻ: "Nhiều thầy dạy toán khó lắm nhớ đăng ký học thêm nhé". "Ôi cô dạy văn đẹp, dễ thương". "Thầy dạy Tiếng Anh đáng yêu lắm. Lớp bạn sướng, còn lớp tớ mới đầu năm cả lớp bị "trứng vịt" môn hoá"... nghe những tâm sự của học sinh mà chúng ta thấy nhói lòng. 

Ông Phú cho rằng, đã đến lúc những người thầy cô, nên nhìn thẳng vào vấn đề để xây dựng môi trường sư phạm hạnh phúc đúng nghĩa:

Điểm số: Tài sản bất tận của thầy cô là điểm số, nên tặng điểm số tốt cho học sinh để làm sức bật trong học tập. Thầy cô cần tránh việc đầu năm cho kiểm tra chất lượng rồi cho điểm 1, 2; cần tạo điều kiện để học sinh có nhiều cột điểm rồi lựa điểm tốt lấy, đây là cách nhìn nhận sự cầu thị và nỗ lực của học trò.

huynh thanh phu.jpeg
Ông Huỳnh Thanh Phú với học trò

Mời phụ huynh: Giáo viên chủ nhiệm hạn chế tối đa mời phụ huynh, vì giáo viên chúng ta có nhiều vai trò: cha mẹ, người anh, người chị, người bạn và trên hết là thủ lĩnh của đàn em. Khi tiếp chuyện với phụ huynh, thầy cô phải nói rất trung thực lỗi vi phạm của học sinh, tránh chuyện không nói có, chuyện có nói nhiều hơn có.

Cảnh quan nhà trường: Khuôn viên trường phải sạch, đẹp, nên thơ, nhiều bông hoa, tiểu cảnh... để các em mê chụp ảnh, lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của học trò

Tổ chức sự kiện: Chú trọng từ hình thức đến nội dung, từ dàn âm thanh, background sân khấu, khách mời... tất cả phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của chính học sinh. Nên nhớ mỗi sự kiện là một dấu ấn trong hành trình 1000 ngày của các em và cũng là việc định hướng tầm nhìn cho các em sau này.

Không xúc phạm học trò: Thân thể con người là bất khả xâm hại, không được tác động lên thân thể các em, cũng không được phép dùng những lời nói không phù hợp với các em, thậm chí lời phê cũng phải có văn hóa và tính giáo dục cao.

Phương pháp dạy: Thầy cô nên tôn trọng cách học và xử lý bài tập của học sinh, không được đề cao hoặc bắt buộc phải giải đúng cách của mình, đó là hành vi không văn hóa, là biểu hiện của tiêu cực.

Chuyển trường: Cho dù có 100 hoặc 1.000 lý do chuyển trường, nghĩa là môi trường đó không còn hứng khởi với các em, phải cho chuyển trường vì việc này Bộ GD-ĐT có quy định. Thầy cô không nên cầm chân các em chỉ nên giữ trái tim của học trò.

Đối thoại học đường: Thầy cô lắng nghe, nghe cả những phản biện của các em và phải giải quyết. Tránh sau đối thoại các em phải chuyển lớp, chuyển trường thậm chí rơi vào trầm cảm.

Dạy đạo đức: Tăng cường dạy đạo đức cho các em, thường xuyên tuyên dương khen thưởng trước trường, trên web trường. Tuyệt đối không la rầy hay bêu tên các em trước trường.

Câu lạc bộ: Thành lập nhiều CLB để các em tham gia, trải nghiệm. Chúng ta tạo điều kiện cho các em đi giao lưu với các trường. Tham gia công tác thiện nguyện để các em yêu cuộc sống và có trách nhiệm với chính mình nhiều hơn.

Theo ông Phú, giá trị cốt lõi của hạnh phúc là tình thương. Nếu không yêu thương chính bản thân, không thể nhìn thấy nỗi đau của người khác. Trẻ em rất cần tình thương, chỉ khi nào tình thương đủ lớn, nhà trường sẽ biết làm gì cho các con được hạnh phúc.

Quốc Huy và nhóm PV, BTV