Đại dịch Covid-19
Trong tuần qua, tính từ ngày 7/1 đến sáng ngày 14/1, thế giới ghi nhận thêm 19.988.068 ca nhiễm mới, là con số kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát. Toàn cầu cũng có thêm 48.996 người thiệt mạng vì Covid-19.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch với số ca nhiễm mới trong ngày luôn dẫn đầu thế giới, ở mức trung bình trên 800.000 ca/ngày. Số ca tử vong cũng tăng cao, các bệnh viện quá tải, số ca nhập viện đạt kỷ lục ở con số 145.982 ca.
Một số bang của Mỹ sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ về nhân lực cũng như các thiết bị phòng dịch.
Hiện Mỹ có hơn 65,2 triệu ca nhiễm và gần 870.000 ca tử vong.
Canada cũng rơi vào tình trạng báo động. Quebec, một tỉnh lớn của nước này dự kiến sẽ yêu cầu những người không tiêm vắc xin đóng một khoản phí gọi là “đóng góp y tế”.
Châu Âu vẫn đang gồng mình ứng phó với dịch bệnh. Pháp hiện là vùng đỏ nhất trên bản đồ đại dịch châu Âu, khi liên tục ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm mỗi ngày. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng xin lỗi vì vi phạm quy tắc phòng dịch khi vào tháng 5/2020.
Đan Mạch tiến hành tiêm mũi thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.
Hàng loạt các quốc gia như Đức, Hà Lan, Bỉ, Italia... đều phá vỡ kỷ lục số ca nhiễm mới của mình.
Trung bình, mỗi ngày, toàn châu Âu ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, một số quốc gia đang dần mở cửa lại các dịch vụ, trường học, trong đó có Bồ Đào Nha, Hy Lạp… do số ca nhiễm tăng nhưng tỷ lệ tử vong lại giảm.
Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục đà tăng trở lại và liên tục ghi nhận trên 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Philippines ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ vào ngày 13/1 với 34.021 ca.
Các đô thị lớn tại Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến, khiến nước này lùi lại ngày mở cửa cho phép người nước ngoài nhập cảnh.
Trung Quốc đại lục vẫn căng mình ứng phó với dịch bệnh, theo đuổi chính sách “0 ca nhiễm”.
Dù là nơi là biến thể Omicron được phát hiện, nhưng Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung không có những làn sóng lây nhiễm mạnh mẽ như các phần còn lại của thế giới.
Hãng Pfizer đang nghiên cứu vắc-xin chống biến thể Omicron.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể này đang trên đà lây nhiễm mạnh tại châu Âu và Mỹ, nhưng chưa thể coi đây là căn bệnh lưu hành giống cúm.
Trung Quốc phong tỏa thêm thành phố vì Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra căng thẳng, nhiều ngày liên tiếp ghi nhận trên 200 ca nhiễm mới, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, do thành phố này hiện có khoảng 58 ca mắc Covid-19.
Cư dân thành phố 5 triệu người này phải ở trong nhà, mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.
Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa
Ngày 11/1, Triều Tiên đã thực hiện một vụ thử tên lửa vượt âm nữa dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong Un.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tên lửa được phóng thử ngày 11/1 đã "bắn chính xác" một mục tiêu cách xa khoảng 1.000 km. Đây là lần thứ tên lửa thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tuần, và là lần thứ 3 Triều Tiên thử lên lửa vượt âm.
Chính quyền Mỹ đã áp một loạt lệnh trừng phạt lên năm đại diện ở nước ngoài của Triều Tiên để đáp trả vụ thử tên lửa gần đây.
Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Mỹ vừa đưa ra một tài liệu gồm 47 trang bác bỏ những yêu sách “bất hợp pháp” của Trung Quốc tại Biển Đông, phủ nhận cả cơ sở địa lý lẫn lịch sử mà nước này nêu ra.
Khi công bố tài liệu, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh “ngừng các hoạt động trái pháp luật và cưỡng ép ở Biển Đông”. Tài liệu trên được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ ngày càng gay gắt.
Cùng lúc này, Mỹ điều cặp “siêu chiến hạm” tới Biển Đông. USS Carl Vinson và USS Essex, hai loại chiến hạm lớn nhất của Hải quân Mỹ, đã tới Biển Đông và được cho là sẽ tổ chức tập trận tại khu vực này.
Nga - Mỹ đối thoại về Ukraina
Phái đoàn của Nga và Mỹ kết thúc các cuộc đối thoại an ninh ở Geneva (Thụy Sĩ) mà chưa đạt được đột phá nào về vấn đề Ukraina.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov nói đây là một cuộc thảo luận chuyên nghiệp nhưng cũng đầy phức tạp. Phía Nga khẳng định nước này không có ý định tấn công Ukraina.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kêu gọi Nga giảm căng thẳng bằng cách đưa quân đội của mình về các doanh trại.
Dù tồn tại nhiều bất đồng, phái đoàn hai nước đều mô tả cuộc họp diễn ra trong bầu không khí thân mật.
Tình hình Kazakhstan
Tuần qua, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố trật tự đã được khôi phục ở phần lớn các khu vực trong nước sau nhiều ngày trải qua biểu tình và bạo loạn trên diện rộng.
Hơn 4.200 người bị bắt, 18 nhân viên an ninh thiệt mạng và hơn 740 người bị thương.
Cựu lãnh đạo Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan (KNB) Karim Massimov bị bắt vì tình nghi phản quốc. Kazakhstan thanh lọc bộ máy an ninh sau bạo loạn.
Ngày 13/1, hơn 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu bắt đầu rời khỏi Kazakhstan sau khi tới nước này giúp ổn định tình hình.
VietNamNet TV
>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet
Mỹ công bố tài liệu bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Mỹ vừa đưa ra một tài liệu gồm 47 trang bác bỏ những yêu sách “bất hợp pháp” của Trung Quốc tại Biển Đông, phủ nhận cả cơ sở địa lý lẫn lịch sử mà nước này nêu ra.
Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa siêu vượt âm
Triều Tiên, sáng nay (12/1), thông báo đã thực hiện một vụ thử tên lửa siêu vượt âm nữa dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong Un.