Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 2019 của công ty. Theo đó, doanh thu online năm ngoái của công ty đạt 12.682 tỷ đồng và chiếm hơn 12% tổng doanh thu. Với kết quả này, MWG là công ty có doanh số lớn nhất trong tổng giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến hàng hóa tại Việt Nam.
Thế Giới Di Động xây dựng hệ thống bán hàng kết hợp online và offline xuyên suốt để tạo doanh thu cao. Ảnh: thegioididong |
Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 5 tỷ USD. Báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng ước tính quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm ngoái khoảng 8 tỷ USD; thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác… Với doanh thu khoảng hơn 545 triệu USD, Thế Giới Di Động chiếm khoảng 7-11% quy mô thị trường chung.
Nếu xét riêng mảng bán lẻ trực tuyến hàng hoá, Thế Giới Di Động khẳng định là doanh nghiệp dẫn đầu về doanh số.
Điều này khá dễ giải thích khi Thế Giới Di Động bán các mặt hàng điện thoại, điện máy, điện gia dụng,... có giá trị cao, do đó mang về doanh thu lớn so với các trang thương mại điện tử truyền thống. Trong khi đó, các thống kê thương mại điện tử cho thấy, mặt hàng được mua nhiều chủ yếu là thời trang, mỹ phẩm - có giá trị thấp.
Theo số liệu từ iPrice, mặc dù là trang bán hàng thuần về công nghệ nhưng website Thế Giới Di Động thường xuyên nằm trong top các trang bán hàng được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, bên cạnh 4 trang thương mại điện tử tổng hợp như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo.
Do cả 4 trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam kể trên chưa từng công bố doanh thu nên rất khó có cái nhìn tương quan giữa doanh thu của họ với Thế Giới Di Động.
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh MWG, năm 2019 doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 102.174 tỷ đồng (tăng 18% so với 2018) và hoàn thành 94% kế hoạch cả năm.
Biên lợi nhuận gộp đạt 19,1% (tăng 1,4% so với năm 2018) và là mức cao nhất từ trước tới nay. Biên lợi nhuận của hầu hết các ngành hàng được cải thiện từ quý 3/2019 nhờ MWG chủ động mở rộng danh mục hàng hóa, đẩy mạnh bán sản phẩm đến từ các thương hiệu đa dạng với nhiều mẫu mã và phân khúc giá để khách hàng dễ lựa chọn. Nhiều sản phẩm được ưa chuộng có sản lượng tiêu thụ lớn, dù doanh thu đóng góp không cao nhưng đem lại lợi nhuận tốt.
Lợi nhuận sau thuế đạt 3.836 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2018) và hoàn thành 107% kế hoạch đặt ra hồi đầu năm. Thông thường, việc mở rộng mạng lưới mạnh mẽ có ảnh hưởng ngắn hạn tới biên lợi nhuận ròng do làm tăng % chi phí bán hàng trên doanh thu nhưng MWG vẫn gia tăng biên lợi nhuận sau thuế cả năm lên mức 3,8%, cao hơn đáng kể so với 3,3% năm 2018.
Năm 2020, MWG đặt kế hoạch doanh thu 122.445 tỷ đồng (tăng 20% so với 2019), lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng (tăng 26% so với 2019). Trong đó, sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn mang lại dòng tiền chính, dự kiến đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu.