Thống kê từ sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3 vừa qua đạt 469,9 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 2, và tăng 13,2% so với tháng 3 năm ngoái. 

Tính đến hết quý I, xuất khẩu hàng rau quả thu về 1,28 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.

Theo đó, hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm nay đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Tiếp theo, thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng đột biến 112%... 

Đáng chú ý, ngành hàng thế mạnh của Việt Nam tiếp tục đón tin vui khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. 

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện nước ta có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỷ dân. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép. 

Theo dự báo, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài giúp truy xuất nguồn gốc còn đảm bảo chất lượng sản phẩm sầu riêng. Đồng thời, xuất khẩu sầu riêng sẽ còn tăng trưởng cao hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu

Cục Bảo vệ thực vật đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng, rà soát lại các vùng trồng để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.

sau-rieng-1.jpg
Ngoài sầu riêng tươi, Việt Nam chuẩn bị ký thêm nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Khương

Nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay, "vua trái cây” của Việt Nam sẽ mang về khoảng 3,5 tỷ USD. Tương tự, trái dừa hứa hẹn năm nay sẽ mang về từ 500-600 triệu USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là sầu riêng. Mặt hàng này đạt mức tăng trưởng 66% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân của rau quả trong quý I/2024.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn ở nước ta cho biết, công ty này đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng ngành nông nghiệp để hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị xuất khẩu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc ngay khi nghị định thư được ký kết.

Chỉ riêng sầu riêng đông lạnh, Trung Quốc đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu trong năm vừa qua. Khi nghị định thư được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng sầu đông lạnh, vị lãnh đạo này nhận định.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt mức kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022. Với đà tăng trưởng tốt từ các thị trường chủ lực, cùng những tin vui từ Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm nay được tự báo có thể đạt 6-6,5 tỷ USD.