Theo CNN, bé gái Ayca Ceplin, 10 tuổi được giải cứu hôm 13/2, sau 185 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa chung cư ở thành phố Kahramanmaras, tâm chấn động đất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng cứu hộ làm việc xuyên đêm đào bới các đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm những nạn nhân bị mắc kẹt. Nguồn: Anadolu

Trước đó, cũng tại Kahramanmaras, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã phát hiện 3 thành viên trong cùng một gia đình, gồm bà, mẹ và con gái, vẫn còn sống sau 178 giờ bị đất đá chôn vùi. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng của các nạn nhân này sau khi họ được đưa đến viện kiểm tra và điều trị.

Bé gái Miray, 6 tuổi được giải cứu tại thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ sau 178 giờ bị mắc kẹt. Nguồn: Tkikurumsal.

Nhà chức trách vẫn hy vọng có thêm những trường hợp sống sót diệu kỳ khi khoảng thời gian vàng 72 giờ cứu hộ then chốt sau động đất đã qua từ lâu.

Tuy nhiên, theo Reuters, một số đội cứu hộ quốc tế tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị giảm quy mô hoạt động, một quyết định không thể tránh khỏi vì thời tiết buốt giá mùa đông làm giảm cơ hội sống sót vốn đã mong manh của các nạn nhân. Một số nhóm tìm kiếm, cứu nạn của Ba Lan thông báo sẽ về nước vào ngày 15/2. Trước đó, đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế ISAR của Đức hôm 13/2 đã hồi hương sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các đội cứu hộ di dời các mảnh vỡ từ những tòa nhà bị phá hủy ở Antakya, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt. Ảnh: AP

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cũng cảnh báo giai đoạn cứu hộ “sắp kết thúc”. Ông Griffiths hôm 13/2 đã đến thăm thành phố Aleppo, miền bắc Syria, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai cũng như gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus để bàn về việc cứu trợ.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Martin Griffiths gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus ngày 13/2. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn quốc gia SANA của Syria dẫn lời ông Al-Assad khẳng định sự cần thiết phải cung cấp viện trợ khẩn cấp cho tất cả các khu vực của đất nước, kể cả những nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy chống Damascus. Chính quyền của ông đã đồng ý mở 2 cửa khẩu biên giới Bab Al-Salam và Al Ra'ee từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tây bắc Syria để tạo điều kiện cho các chuyến hàng viện trợ.

Ông Al-Assad đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Syria khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết cơ sở hạ tầng.

Tính đến ngày 14/2, tổng cộng hơn 37.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã thiệt mạng vì thảm họa động đất gây chết chóc lớn thứ 5 thế giới trong 20 năm qua. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thống kế, ít nhất 19.300 nạn nhân bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện nước này, trong đó 3.636 người cần chăm sóc tích cực.