- Thời gian qua ta nặng về việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu phải thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc giao quyền đẩy đủ cho họ.

Đoàn Hà Nội là một trong những đoàn thảo luận sôi nổi nhất sáng nay khi họp tổ QH về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Yếu tố con người - cán bộ được các đại biểu quan tâm đặc biệt.

Trước sự có mặt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở cùng tổ Hà Nội, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền bày tỏ "rất mừng là nhiệm kỳ qua đã làm được quy hoạch cán bộ một cách bài bản, nề nếp".

{keywords}
ĐB Nguyễn Đình Quyền

"Nhưng mới chỉ là bước đầu, như cử tri vẫn muốn thực sự chọn được người tài đức vào bộ máy nhà nước nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung, thì từ lý thuyết đến hiện thực còn là khoảng cách rất xa", Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH nói.

Theo ông, trong nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, có vấn đề năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vấn đề này.

"Ví dụ về công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm, xử lý vi phạm... Thực sự chúng tôi là những người đã trải qua nhiều năm công tác, đến thời gian sắp nghỉ rồi, thấy rất lo lắng về chất lượng cán bộ", ông Quyền nhắc lại chuyện ông đã từng chia sẻ về việc chấm thi chuyên viên cao cấp.

"Tôi được Bộ Nội vụ mời làm việc này nhiều năm nay, thấy rất lo ngại về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, vì đi thi đều là vụ phó đến phó chủ tịch UBND, đứng đầu ngành của các tỉnh, tham mưu chiến lược của các bộ ngành".

Ông Quyền gọi đây là "sự hụt hẫng về năng lực", trong đó có năng lực hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.

"Trong hoạch định chính sách, đến nay hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn sơ hở, chồng chéo, thể hiện năng lực tham mưu và năng lực quyết định, chưa kể sự len lỏi xuất hiện của lợi ích nhóm, làm méo mó tính khách quan của chính sách. Về tổ chức thực hiện chính sách thì rất bất cập", Phó chủ nhiệm UB Tư pháp nói.

Ông Quyền từ đó đề nghị cả QH và ĐH Đảng sắp tới tập trung đánh giá sâu về công tác cán bộ, xác định nhiệm vụ hàng đầu là củng cố đội ngũ cán bộ.

"Hy vọng ĐH Đảng tới sẽ có đột phá về công tác cán bộ, đưa ra những thiết chế về mặt nhà nước để kiểm soát quyền lực, kiểm soát chế độ trách nhiệm, để 'không dám, không muốn, không làm' những hành vi tiêu cực", ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Thêm quyền cho người đứng đầu

Phó đoàn ĐBQH Hà Nội, ông Chu Sơn Hà, cũng nói về công tác cán bộ nhưng ở khía cạnh người đứng đầu.

{keywords}
ĐB Chu Sơn Hà

"Thời gian qua ta nặng về việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu phải thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc giao quyền đẩy đủ cho họ để có thể triển khai được ý tưởng.

Cần thêm quyền cho họ, đặc biệt trong bố trí bộ máy, tuyển dụng con người, còn nếu như cứ để cơ chế như thế này, người được giao trách nhiệm người đứng đầu khó hoàn thành được nhiệm vụ vì không có quyền quyết định đối với sinh mạng chính trị và công việc của mình", ông Hà nói.

"Cũng vì cơ chế quản lý cán bộ theo kiểu cũ mà không thể xác định trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, đa số cá nhân hòa lẫn vào trách nhiệm hình sự, núp dưới bóng tập thể, khi có sai sót thì tránh được trách nhiệm, đẩy sang vai trò của tập thể".

Bà Bùi Thị An, ĐB cùng đoàn đồng tình và kiến nghị luật hóa trách nhiệm và quyền hạn người đứng đầu từ địa phương lên.

"Chỉ có thế mới quy được rõ trách nhiệm và công tác lãnh đạo mới hiệu quả. Còn không, được thì đứng đầu được, khi có vấn đề thì truy đến phó, cấp dưới, đổ tại tham mưu trình sai, thế là không công bằng", bà An nói.

Bài, ảnh: Chung Hoàng