Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), thời gian gần đây nhiều người dân gọi điện đến Tổng đài chăm sóc khách hàng của cơ sở y tế này phản ánh về việc có người tự nhận là nhân viên bệnh viện gọi điện, nhắn tin qua Zalo hoặc Facebook để tư vấn và bán thực phẩm chức năng dành cho mẹ và bé.
Để củng cố lòng tin cho khách hàng nhằm mục đích bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, các đối tượng này khi liên lạc còn kèm theo thông tin về ngày, tháng, năm sinh bệnh nhân; dữ liệu về khám chữa bệnh BHYT; lịch tiêm chủng của trẻ sơ sinh…
Bên cạnh đó, một số đối tượng mạo danh nhân viên y tế bệnh viện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hành vi như nhờ chuyển khoản hộ, mượn tiền, nhờ mua hộ đồ vật có giá trị...
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khẳng định đơn vị không có chủ trương tư vấn, bán thực phẩm chức năng theo phương thức này. Các nhân viên y tế của bệnh viện khi gọi điện tư vấn, chăm sóc khách hàng đều sử dụng các số điện thoại có 3 số cuối là “115”. Đây là dấu hiệu đầu tiên để phân biệt thật, giả.
Ngoài ra, toàn bộ nhân viên y tế bệnh viện đều mặc đồng phục hoặc mang thẻ chức danh ngoài ra trong mọi trường hợp khách hàng cần cảnh giác, không tin và làm theo bất kỳ ai khi chưa xác minh rõ ràng.
Bệnh viện cũng cho biết đang liên hệ và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc về việc các đối tượng trên có thông tin cá nhân của khách hàng có thể được khai thác, sử dụng trái phép từ nguồn dữ liệu bệnh án điện tử, dữ liệu thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc dữ liệu tiêm chủng quốc gia.
Đây không phải bệnh viện đầu tiên lên tiếng cảnh báo về việc mạo danh nhân viên y tế bán sữa, thực phẩm chức năng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 9/10, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết các đơn vị nghiệp vụ vừa phá chuyên án, triệt phá đường dây lừa đảo qua hình thức tự tạo lập các fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các bệnh viện lớn để bán thuốc với số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc.
Công an xác định đối tượng là Phạm Viết Trung (sinh năm 1995, ở Ninh Bình) đã thuê mặt sàn tại Hà Nội để mở văn phòng; thuê 21 đối tượng để lập các fanpage có hình ảnh, logo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103, nhằm thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu chữa bệnh để lại thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại...
Sau đó, các đối tượng gọi điện, tự xưng là bác sĩ của hai bệnh viện để tư vấn, mời chào mua các liệu trình điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp và quảng cáo là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do các bệnh viện điều chế, sản xuất.
Khi khách có nhu cầu sử dụng loại nào, các đối tượng sẽ đặt mua lại các sản phẩm của các hộ kinh doanh thuốc đông y ở huyện Ba Vì (Hà Nội) rồi lừa bán với giá cao hơn gấp nhiều lần giá nhập vào.