Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một phiên biến động mạnh nhất kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 4,5%, mất 55,5 điểm xuống dưới ngưỡng 1.180 điểm. Đây là một phiên giảm điểm hiếm có trong cả năm qua, trong bối cảnh thị trường đón nhiều tin xấu.
Đa số các cổ phiếu lớn nhỏ đều giảm sau một đợt tăng kéo dài nhiều tháng qua.
Ngay vào đầu giờ sáng 18/8, thông tin “quả bom nợ” Evergrande của Trung Quốc - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau hai năm đối mặt với với những khoản nợ khổng lồ và nguy cơ phá sản luôn cận kề, Evergrande Group không trụ được với khoản nợ lên đến hơn 300 tỷ USD.
Không chỉ Evergrande, thị trường tài chính Trung Quốc trong tháng này cũng bị lung lay khi Country Garden Holdings cũng đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Bên cạnh đó, tập đoàn tài chính Zhongzhi Enterprise Group công khai ra cảnh báo sau khi các công ty liên kết không thanh toán một số sản phẩm đầu tư.
Nỗi lo về những bất ổn trên thị trường tài chính và bất động sản Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Việt Nam đã gây tâm lý hoang mang và làn sóng bán mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch 18/8, chỉ số VN-Index giảm 55,49 điểm (-4,5%) xuống 1.177,99 điểm. VN30 thậm chí giảm 4,63%. HNX-Index giảm 5,6%; Upcom-Index giảm hơn 4%.
Ngoại trừ Vietcombank (VCB), 29 trong số 30 cổ phiếu nhóm VN30 giảm giá.
Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm sàn.
Một số cổ phiếu trụ cột khác cũng giảm sàn như VPBank (VPB), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Thế Giới Di Động (MWG), POW.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt lao dốc, với rất nhiều mã giảm sàn như: Novaland (NVL), Bất động sản Phát Đạt (PDR), DIC Corp. (DIG), Hà Đô (HDG), Kinh Bắc (KBC), Nam Long (LDG)…
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho biết, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên giao dịch 18/8 là do niềm tin lung lay khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh.
“Đặt biệt dòng bất động sản, với tâm điểm là cổ phiếu họ Vingroup, trước thông tin Evergrande xin phá sản ảnh hưởng tới tâm lý của thị trường, ông Lưu Chí Kháng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Kháng, call margin đã xảy ra và dẫn tới việc nhiều cổ phiếu giảm rất sâu.
Dòng tiền còn mạnh
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Phân Tích Chứng khoán Dầu khí PSI cho rằng thị trường đã không lên được tiếp sau 2 phiên tăng và quay đầu giảm cùng với các tin xấu đến. Tuy nhiên, mức độ giảm trong phiên 18/8 mạnh hơn dự tính.
Theo ông Anh Tuấn, thị trường đánh dấu bằng một phiên giảm mạnh cũng là tín hiệu kết thúc một chu kỳ tăng giá.
Ông Tuấn cho rằng, thị trường giảm mới hút được dòng tiền và vùng VN-Index trên 1.200 điểm (hiện là 1.170 điểm) là đắt so với kết quả kinh doanh xấu sắp tới.
Còn theo ông Lưu Chí Kháng, phiên 18/8 có thể là một phiên hoảng loạn. Xu hướng chung vẫn tích cực. Việc thị trường về ngưỡng 1.120 điểm có khả năng dừng lại.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cũng cho rằng, cú giảm trong ngày 18/8 là một phiên điều chỉnh. Dòng tiền trên thị trường vẫn rất khỏe.
Trong phiên giao dịch 18/8, có tới 42.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn. Đây là con số lớn nhất trong khoảng 1,5 năm qua.
Trước đó, thị trường chứng khoán đã có một đợt tăng kéo dài vài tháng, mức lên điểm chậm nhưng cũng tăng được 220 điểm trong vòng 5 tháng qua, tương đương mức tăng khoảng 22%.
Thị trường chứng khoán hút dòng tiền trong bối cảnh lãi suất huy động vốn trên hệ thống ngân hàng giảm mạnh, từ mức trên 10% xuống chỉ còn khoảng 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và chỉ khoảng 6% cho kỳ hạn dài hơn.
Mức sinh lời trên thị trường chứng khoán cao hơn.
Thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ bởi sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng như ngân hàng trong bối cảnh Chính phủ có một loạt các chính sách hỗ trợ để vực dậy thị trường bất động sản và tài chính. Các dự án đầu tư công được thúc đẩy khởi công dồn dập.
Chứng khoán gần đây sôi động và bứt phá hơn nhờ nhóm cổ phiếu “họ Vin” sau khi VinFast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ với định giá phiên đầu tiên lên tới 85 tỷ USD. Qua đó giá trị ước tính do Vingroup sở hữu cao gấp 3 lần vốn hóa của tập đoàn này.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động mạnh vài phiên qua. Vốn hóa hãng xe điện từng vọt lên ngoài sức tưởng tượng này sau đó điều chỉnh giảm.