Thị trường chiếm 1/5 xuất khẩu gạo Việt Nam

Việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do chính sách “zero Covid” khiến ông Đặng Quốc Quân - chủ một DN chế biến nông sản ở Đồng Nai - đang xoay hướng đi mới, tìm kiếm thị trường thay thế.

Ông cho biết, thị trường châu Phi và khối Pháp ngữ trước đây vốn gặp trở ngại về khoảng cách địa lý thì giờ nhiều DN xuất khẩu gạo lại quan tâm. Đây là thị trường lớn, DN khai thác sẽ mở rộng được sản xuất, xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, giảm rủi ro khi những thị trường đó có thay đổi về chính sách nhập khẩu.

Mặt khác, thị trường các nước Pháp ngữ tại châu Phi có phần “dễ tính” hơn Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đối với các mặt hàng.

Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - ông Nguyễn Duy Thuận - dẫn chứng, DN này một năm sản xuất trên 18 triệu tấn lúa, hơn 1/2 sản lượng là xuất khẩu sang châu Phi và Philippines.

{keywords}
1/5 lượng gạo của Việt Nam là xuất sang các quốc gia Pháp ngữ ở châu Phi

Hiện, tập đoàn có năng lực sản xuất 26.000 tấn lúa tươi/ngày, tương đương 13.000 tấn gạo trắng, có thể đáp ứng nhu cầu lương thực lớn từ các quốc gia. Ví dụ, một nước cần đảm bảo cung ứng 800.000 tấn gạo thì DN tổ chức sản xuất, xuất khẩu hàng tuần, nhằm giảm chi phí lưu kho tại nước tiêu thụ và luôn luôn có gạo mới cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Võ Tân Thành - thông tin, các nước châu Phi nói tiếng Pháp là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia, tổng dân số hơn 570 triệu người. Đây được dự báo là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới. Cơ hội kinh doanh đối với DN Việt Nam rất lớn.

Giai đoạn 2017-2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) có sự tăng trưởng ổn định, ghi nhận mức cao nhất là 26,7 tỷ USD vào năm 2019.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang các quốc gia này là: gạo, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy... Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589,4 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạo nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Muốn học hỏi ngành điều, cà phê của Việt Nam

Đối với các nước Pháp ngữ tại châu Phi, tổng kim ngạch trao đổi thương mại với Việt Nam chiếm khoảng 1,1% trao đổi ngoại thương của khối này với thế giới.

Bà Louise Mushikiwabo - Tổng thư ký OIF - cho hay, cộng đồng kinh tế Pháp ngữ chiếm 16% GDP thế giới; gần 14% trữ lượng khoáng sản, năng lượng của thế giới và 20% kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu.

Việt Nam có thể mang đến cho các DN của OIF cơ hội kinh doanh và đầu tư trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và được quan tâm như: sản xuất và chế biến nông sản - thực phẩm; năng lượng tái tạo; vật tư và dịch vụ kỹ thuật số.

Thị trường OIF cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam gồm: điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ.

Ví dụ, Bờ Biển Ngà sản xuất lượng điều thô lớn nhất thế giới với khoảng 2 triệu tấn điều thô/năm, lượng xuất khẩu sang Việt Nam đã chiếm tới 80% và con số này vẫn tiếp tục tăng qua từng năm.

{keywords}
Việt Nam là công xưởng chế biến và xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới 

Giám đốc điều hành Tập đoàn xuất khẩu hạt điều Bờ Biển Ngà - ông Ousmane Sanogo - mong các DN có thể học từ lĩnh vực chế biến điều nhân lâu năm của Việt Nam, hướng tới tăng giá trị hạt điều bản địa.

Ông Ismaël Ndjewa Ndomba - Thư ký điều hành Cơ quan Cà phê Robusta châu Phi và Madagascar (ACRAM) - cho rằng, trở ngại đối với lĩnh vực cà phê tại các quốc gia là không có nguyên liệu đầu vào chất lượng và công nghệ. Năng suất cà phê của ACRAM kém hơn so với Việt Nam và rất muốn thu hút các nhà đầu tư Việt Nam tới sản xuất cà phê trên đất châu Phi. DN Việt nắm công nghệ nên có thể chuyển giao, đào tạo, hỗ trợ các nhà sản xuất, trồng cà phê.

Ông Mabouba Digne - Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi CEDEAO (BIDC) - cam kết hỗ trợ và sẵn sàng đón DN Việt đến đầu tư tại khu vực châu Phi.

Dẫu vậy, để phát triển thị trường hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia Cộng đồng Pháp ngữ, DN Việt phải nắm bắt được các phương thức tiếp cận thị trường; nhu cầu sản phẩm; phương thức thanh toán và kinh nghiệm phòng tránh rủi ro trong hợp tác kinh doanh giữa DN hai bên.

“Đây là những băn khoăn chính của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này”, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) - bà Lý Kim Chi nói.

Theo bà Chi, trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại riêng để hàng hóa vào các thị trường có nhu cầu phù hợp.

Ngoài ra, cần gỡ khó đến từ việc các nước đặt ra rào cản kỹ thuật khắt khe. Đây là thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Trong khi, việc cập nhật và cảnh báo các thay đổi quy định về tiêu chuẩn hàng hóa; các biện pháp kiểm soát; phòng vệ thương mại chưa hiệu quả. Điều này khiến DN Việt bị động trong ứng phó, dễ rơi vào tình trạng bị kiện hoặc không xuất hàng được sang nước bạn.

Trần Chung

Lực đẩy UKVFTA, kết nối khai thác thị trường tỷ USD

Lực đẩy UKVFTA, kết nối khai thác thị trường tỷ USD

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (gọi tắt là UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 được kỳ vọng tạo ra những lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ ở thương mại mà cả thu hút đầu tư từ Anh vào Việt Nam và ngược lại.