Tiềm năng từ thị trường của các “trọc phú” dầu mỏ

“16 quốc gia Trung Đông đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, với dân số khoảng 400 triệu người và mức sống cao” - đây là khẳng định của ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC).

Theo ông Tuấn, thương mại khu vực Trung Đông khởi sắc và tăng trưởng mạnh sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, tình hình giá dầu biến động mạnh.

Hiện, quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 6 quốc gia thành viên là Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE); Arab Saudi; Kuwait; Bahrain; Qatar và Oman. Các quốc gia này có nền kinh tế mở, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Đáng chú ý, GDP bình quân đầu người ở GCC đạt mức cao. Cụ thể, năm 2021, Qatar là 60.000 USD; UAE là 41.000 USD; Kuwait là 25.000 USD và Arab Saudi là 22.000 USD.

{keywords}
Gỗ là mặt hàng mà thị trường Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu lớn

Còn theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait - ông Ngô Toàn Thắng, vài năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt 2,7 tỷ USD thì năm 2021 đạt 12,5 tỷ USD, tương đương mức tăng gấp 4,6 lần.

Do vậy, cơ hội cho DN Việt tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam.

Thông tin thêm về thị trường Trung Đông, Phó Giám đốc ITPC cho hay, các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 2-8 tỷ USD) đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại,... Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ trọng các mặt hàng này của chúng ta trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Thống kê cho thấy, các quốc gia này nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của khu vực Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

Một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông, mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.

Yêu cầu khắt khe

Hiện, các mặt hàng chính TP.HCM xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông gồm: thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại.

Dẫu vậy, lãnh đạo ITPC cho rằng, các DN Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường tiềm năng này. Nguyên nhân đến từ việc thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Đông có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal. Người Hồi giáo ở các quốc gia Trung Đông nói riêng cũng như toàn cầu chỉ sử dụng các sản phẩm Halal.

{keywords}
Mẫu chứng nhận Halal (ảnh minh họa)

Nền công nghiệp Halal hiện rất đa dạng với nhiều sản phẩm, dịch vụ như bánh kẹo; thực phẩm, đồ uống; sản phẩm từ sữa; thực phẩm hữu cơ; thảo dược; mỹ phẩm; dược phẩm; ngân hàng; trái phiếu và chứng khoán; du lịch; logistics và chuỗi cung ứng; giáo dục và đào tạo; dịch vụ thực phẩm...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - đại diện Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam, cho biết, chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm.

Dẫn chứng về sự khắt khe của Halal. Một công ty yêu cầu sản phẩm Halal nhưng có sản xuất sản phẩm liên quan đến chất cấm (thịt heo, rượu, bia) thì dây chuyền đã từng sản xuất sản phẩm liên quan đến thị heo bắt buộc phải tẩy rửa theo nghi thức Hồi giáo trước khi tiến hành sản xuất sản phẩm Halal (chỉ thực hiện một lần duy nhất). Ngoài ra, dây chuyền sản xuất sản phẩm có thịt heo phải tách biệt hoàn toàn về nhà xưởng, thiết bị, con người với dây chuyền sản phẩm Halal.

Khi chứng nhận cho một sản phẩm có tên nhãn hàng cụ thể thì bắt buộc phải đánh giá hiện trường tất cả các nhà máy sản xuất ra sản phẩm mang cùng tên nhãn hàng đó (bao gồm cả đơn vị gia công bên ngoài); sản phẩm không mô phỏng hình con giống, bao bì sản phẩm không có hình ảnh thịt heo, liên quan đến con heo; tên sản phẩm không được liên quan đến tôn giáo khác, không liên quan đến Haram (bị cấm).

Trong quá trình đánh giá Halal, cơ quan đánh giá sẽ tiến hành truy xuất nguyên liệu và tất cả thành phần có trong quá trình sản xuất, cho nên DN cần phải rất kỹ trong khâu này. Sau khi được cấp chứng nhận, DN cũng phải lưu ý khi ra sản phẩm mới, thay đổi nguyên liệu... phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal trong quá trình sản xuất.

Đổi lại sự khắt khe trên, khi được cấp chứng chỉ Halal sẽ giúp DN có thể đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo; được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Từ đó, giúp DN tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal toàn cầu.

Trần Chung

Nếu 'dám chơi', có ngay 10 tỷ USD đổ về Việt Nam

Nếu 'dám chơi', có ngay 10 tỷ USD đổ về Việt Nam

Chuyên gia cho rằng, cần dám chơi và biết chơi nếu Việt Nam muốn có một trung tâm tài chính quốc tế thu hút dòng vốn tỷ đô.