Không chỉ duy trì hoạt động sản xuất, mà các doanh nghiệp trong nước đã tiến một bước xa hơn, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, từng bước đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô quốc tế.
Sức bật sau khủng hoảng và thành tựu đáng ghi nhận
Hậu COVID-19, nhu cầu về phương tiện giao thông tại Việt Nam tăng mạnh do nền kinh tế bắt đầu hồi phục và đời sống người dân được cải thiện. Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư, từ đó khơi thông nguồn vốn và động lực cho các doanh nghiệp trong nước. Với sự quyết tâm và nỗ lực, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa tiềm năng của mình.
Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam đã đạt được những cải thiện đáng kể trong vài năm qua. Từ mức 12% năm 2018, tỷ lệ này đã tăng lên 25% vào năm 2023. Các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc sản xuất các linh kiện phụ tùng riêng lẻ mà còn tiến tới sản xuất cụm linh kiện, thiết bị gốc (OEM), hướng đến sản xuất thương hiệu gốc (OBM).
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu linh kiện của Việt Nam đã đạt khoảng 1,17 tỷ USD, đặc biệt trong nhóm dây điện ô tô, đưa Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng xuất khẩu. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sản phẩm của các doanh nghiệp Việt đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng linh kiện ô tô toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất ô tô tháng 8/2024 tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất ô tô đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thách thức vẫn còn nhưng cơ hội không nhỏ
Hiện tại, Việt Nam có hơn 377 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô, trong đó có một tỷ lệ đáng kể là các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, số lượng nhà cung cấp trong nước vẫn còn hạn chế, với chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 150 nhà cung cấp cấp 2 và 3.
Dù tỷ lệ nội địa hóa đã gia tăng, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện chính như động cơ, hệ truyền động, và đặc biệt là chip bán dẫn - một công nghệ mà các doanh nghiệp Việt chưa làm chủ. Điều này khiến chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn và giá bán xe cũng vì thế mà cao hơn.
Để vượt qua những thách thức này, Bộ Công Thương đã không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất. Một trong những bước tiến lớn là sự hợp tác với Nhật Bản thông qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nơi mà các doanh nghiệp được đào tạo và hỗ trợ để cải tiến sản xuất, hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu.
Một ví dụ tiêu biểu là sự hợp tác giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam. Sau 4 năm triển khai chương trình hợp tác, hơn 60 nhà cung cấp Việt Nam đã được đào tạo và hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, với nhiều nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Toyota.
Nhìn về phía trước, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy đổi mới công nghệ, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành. Chính phủ cùng các bên liên quan cần tiếp tục đồng hành, mang đến những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô.