-  Ánh sáng sẽ soi rọi nơi góc lều tăm tối nhất, chỉ cần nơi đó có tri thức.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN

Một tác phẩm kiệt xuất thể hiện nỗi khát khao học tập của 10 đứa trẻ bần hàn sinh ra ở một ngôi làng khốn khổ - nơi cha mẹ của chúng bị chính đồng bào mình bóc lột đến xương tủy vì quặng và khoáng sản. Nó cũng cho thấy việc học tập có thể khiến con người – thậm chí là một đứa trẻ - trở nên vĩ đại tới mức nào.

Chiến binh cầu vồng” gợi nhớ lại những áng văn một thời của Việt Nam mà học sinh tiểu học nào cũng từng thuộc nằm lòng: "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên sao được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này đã quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn : hôm nay tôi đi học.".

Và thêm nữa, một cuốn sách về trường học cũng cần cho những người trưởng thành không kém trẻ em, bởi số đông người trưởng thành sau khi rời ghế nhà trường  đã không còn thời gian để “học” trong suốt phần đời còn lại. Đó là một trong những nguyên nhân của sự thụt lùi và tha hóa, của sự lãng quên những điều tốt đẹp, không đủ hiểu về thế giới, cũng như đánh mất niềm tin.

"Chiến binh cầu vồng" xứng đáng là một trong vài cuốn sách hay nhất về trường học và thấu hiểu vai trò quan trọng của nó trên thế giới, kể từ sau thời kì của "Tốt - tô – chan, cô bé bên cửa sổ

Chuyên mục Đọc chậm cuối tuần cũng giới thiệu cuốn sách này, để tri ân các bậc cha mẹ trong ngày lễ Vu Lan. Những đấng sinh thành của một thế giới còn rất nhiều nghèo đói, đã trao tình yêu cho những đứa con bằng cách trao cho chúng tri thức, để những đứa trẻ đầy ham học được tới trường, cho chúng được đọc sách và tự xây đắp niềm hy vọng vào tương lai.

* Những trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Chiến binh cầu vồng" - một tác phẩm vô cùng thành công của nhà văn Andrea Hirata (Indonesia) - dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn.

Tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng tại Indonesia về học tập và giáo dục

Ở góc đối diện thằng Lintang đang điềm nhiên ngồi. Nhà nó ở xa nhất, dẫu vậy bao giờ nó cũng là người đến lớp sớm nhất.

*

Chẳng có gì quá lời khi nói rằng để được đến trường Lintang thường phải chấp nhận mạo hiểm tính mạng. Tuy vậy, nó không hề bỏ học một bữa nào. Nó mỗi ngày đi về hết tám mươi cây số. Nếu ở trường có thêm hoạt động gì đó khiến lớp học kết thúc muộn thì đến tối mịt nó mới về đến nhà. Tôi thực sự ngưỡng mộ nó khi nghĩ đến đoạn đường nó phải đi qua mỗi ngày như thế.

Khoảng cách chưa phải là khó khăn duy nhất nó phải đối mặt. Vào mùa mưa, con đường biến thành sông ngập đến ngang ngực. Hễ lúc nào con đường biến thành sông, Lintang lại dựng xe đạp bên dưới một cái cây trên mô đất cao nước không dâng tới được, bỏ hết quần áo sách vở vào trong một túi nhựa cột kỹ lại, miệng ngậm cái túi, lao xuống nước, và bơi hết tốc lực đến trường vì không khéo bị cá sấu ăn thịt thì khốn.

Nhà không có đồng hồ nên Lintang dựa vào đồng hồ tự nhiên. Có lần, nó vội vã cầu kinh sáng vì nghe gà đã gáy. Cầu kinh xong nó hấp tấp vọt lên xe đạp cắm đầu cắm cổ đạp tới trường. Đi đến giữa rừng, nó ngờ ngợ vì không khí vẫn còn lạnh, trời vẫn tối um, rừng im ắng đến lạ lùng. Chẳng có chim chóc hót gọi bình minh gì ráo. Lintang nhận ra rằng con gà nhà nó nổi cơn gì đó nên gáy sớm, chứ lúc ấy vẫn còn đang nửa đêm. Nó ngồi lại bên dưới một cái cây giữa khu rừng tối đen ấy, bó gối, người run lên vì lạnh, kiên nhẫn đợi trời sáng.

Lần khác, xích xe bị đứt. Chẳng biết cái xe cà tàng của nó đứt xích bao nhiều lần rồi, mỗi lần lại phải bỏ đi một mắt, và giờ thì cái xích ngắn quá, không nối lại được nữa. Nhưng nó không chịu bó tay. Nó xuống xe rồi cứ thế dắt bộ mấy mươi cây số. Lúc nó đến được trường thì bọn tôi cũng sắp sửa ra về. Tiết học cuối cùng hôm đó là môn nhạc. Lintang rất vui vì nó được hát bài Padamu Negeri (“Cho quê hương đất nước”) trước cả lớp.

Ấy là một bài hát có nhịp điệu chậm và buồn:

Vì quê hương, ta hứa
Vì quê hương, ta phục vụ
Vì quê hương, ta hiến dâng
Quê hương là thể xác và linh hồn của ta

Nó hát thật có hồn, bọn tôi đứa nào cũng vừa kinh ngạc vừa ngưỡng mộ. Đôi mắt lém lỉnh của nó không gợn chút mệt nhọc nào. Sau khi hát xong, nó lại dắt xe trở về, bốn mươi cây số.

Cha của Lintang đã tưởng con trai ông thể nào cũng bỏ học trong những tuần đầu tiên, nhưng ông lầm. Ngày qua ngày, niềm hăng say học tập của Lintang không hề vơi đi, mà trái lại càng dâng cao hơn - nó thực sự yêu ngôi trường cùng bạn bè, và nó bắt đầu mải mê khai phá những cánh cửa mở ra thế giới tri thức. Về đến nhà là nó nhập bọn ngay với những đứa trẻ khác cùng tuổi trong làng đi làm cu li cùi dừa, không kịp nghỉ ngơi chút nào. Ấy là cái giá nó phải trả để “được” đi học.

*
Khi Lintang còn học lớp một, có lần nó nhờ cha giúp làm bài tập về nhà - một phép nhân đơn giản. “Cha ơi, bốn nhân bốn bằng mấy cha?”

Người cha mù chữ đi tới đi lui. Ông nhìn đăm chiêu biển Đông mênh mông qua lối cửa sổ, nghĩ rất lung. Thừa lúc Lintang không để ý, ông rón rén ra phía cửa sau và chạy băng băng xuyên qua đám cỏ cao lút đầu. Người đàn ông có dáng người giống cây thông đó chạy thật nhanh đến ủy ban xã để nhờ người ở đấy giúp. Rồi loáng cái ông đã về nhà và thình lình xuất hiện trước mặt đứa con trai mà chăm chăm nhìn nó.

Mười… mười… mười bốn, con trai ạ, không trật vào đâu được, không hơn, không kém,” ông vừa nói vừa thở hổn hển, nhưng trên mặt rạng rỡ nụ cười hãnh diện.

Lintang nhìn sâu vào mắt cha nó. Nó cảm thấy tim mình nhói đau, khiến nó tự hứa với lòng mình, Mình phải là người thông minh mới được. Lintang biết rằng câu trả lời đó không phải do cha nó tự nghĩ ra.

Cha nó thậm chí đã truyền đạt sai câu trả lời từ nhân viên ủy ban xã. Lẽ ra ông phải nói là mười sáu, nhưng cha nó chỉ nhớ được số mười bốn - số miệng ăn cha phải lo mỗi ngày.

Từ hôm ấy trở đi, niềm say mê đến trường càng thêm bỏng cháy. Vì thân người quá nhỏ so với chiếc xe đạp quá khổ, nó không ngồi lên được yên xe. Thay vào đó, nó ngồi trên thanh ngang nối giữa yên xe với ghi đông. Đã thế rồi nhưng khi đạp nó còn phải nhón chân mới tới được pê-đan. Mỗi ngày nó cứ thế nhấp nhổm trên chiếc xe đạp, môi mím chặt tập trung hết sức lực chống lại cơn gió ngược.

*
.....
Các em hãy nghe cho kỹ nhé. Đây là câu hỏi cuối cùng.” Giọng cô nghe run run.

“Một phát minh khoa học liên quan đến những quan niệm về màu sắc đầu thế kỷ mười sáu đã khởi xướng nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực quang học. Vào lúc đó, nhiều nhà khoa học tin rằng màu sắc có được là nhờ sự hòa trộn giữa ánh sáng và bóng tối, một ý kiến hóa ra không đúng. Lỗi này được chứng minh bằng cách phản chiếu ánh sáng lên thấu kính lõm…”.

Reng! Reng! Reng! Lintang hét lên, “Vân tròn Newton!”

Người đọc câu hỏi nở nụ cười hài lòng. Cô ấy nãy giờ vẫn âm thầm đứng về phía đội chúng tôi. Người hô một trăm điểm cũng cười sung sướng. Khuôn miệng cá vàng của ông hô to, “Một trăm đi…i…i…iểm!”

Các cổ động viên đội chúng tôi hò hét và nhảy cẫng lên vì vui sướng. Chúng tôi thắng! Tôi không thể tin được điều đó - trường làng Muhammadiayh của chúng tôi thắng rồi! Tôi ôm lấy Lintang. Nó đưa cả hai tay lên cao. Chúng tôi cứ thế nhảy trong niềm vui tưng bừng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chúng tôi đang đắm mình trong niềm vui chiến thắng thì nghe thấy có ai đó la lớn từ dãy ghế bên dưới: “Thưa giám khảo! Thưa trưởng ban giám khảo! Tôi cho rằng câu hỏi và câu trả lời đều sai cả!”.

Mọi người im bặt nhìn cả về phía sau. Người vừa la lớn đó đứng lên bước xăm xăm về phía trước với dáng điệu giận dữ. Ồ, thì ra là Cử nhân Zulfikar, giáo viên dạy giỏi môn vật lý của trường PN. Ôi không! Có chuyện rồi. Con nhỏ Sahara và tôi xịu mặt xuống, nhưng Lintang vẫn điềm tĩnh. Khi bước lên tới phía trước, ông thầy đó đứng chống nạnh rất ư trịch thượng rồi bắt đầu thao thao:


“Thí nghiệm với những thấu kính lõm không chứng minh được điều gì cho bài phê bình về thuyết màu sắc liên quan đến ánh sáng và bóng tối trước đây cả. Sự hiểu biết liên quan đến việc tạo ra màu sắc không phải là một vấn đề thuộc quang học, trừ phi ban giám khảo muốn bất đồng với Descartes. Quang học và quang phổ màu sắc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong tình huống mập mờ này, chúng ta đối mặt với ba khả năng: câu hỏi sai, câu trả lời sai, hay câu hỏi và câu trả lời thiếu cơ sở, không theo ngữ cảnh!”


Ôi trời! Lời bình phẩm này quả là vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi; quá lạ lẫm và cao siêu. Cứ giống như một buổi bảo vệ luận án thạc sĩ trước ba vị giáo sư phản biện vậy. Nhưng chẳng phải lời nói của vị giáo viên giỏi kia mang hàm ý chê bai hay sao? Và thầy thật thông minh khi khiến ban giám khảo phải nao núng bằng cách trích dẫn quan điểm của Descartes. Ai dám bất đồng ý kiến với chuyên gia khoa học huyền thoại đó cơ chứ?

Hy vọng Lintang có ý kiến phản hồi. Nếu nó không làm được vậy, chúng tôi chấm dứt ở đây. Tôi lo ngay ngáy nhưng chẳng biết làm gì.

Tôi nhìn con nhỏ Sahara. Nó nhanh chóng quay mặt đi như thể nó chưa từng gặp tôi và Lintang vậy. Khán giả và ban giám khảo khựng lại bởi ý kiến phản đối có vẻ như rất thông minh ấy. Chẳng ai phản hồi được khi mà gần như không ai biết thầy đó nói về điều gì. Nhưng phải có người nào đó cứu chúng tôi thoát khỏi tình huống đó chứ. Trưởng ban giám khảo đứng lên. Lintang vẫn điềm tĩnh và còn cười nữa; nó thấy rất thư thái.

“Cảm ơn về ý kiến phản đối rất hay của thầy. Tôi chỉ có thể nói rằng lĩnh vực của tôi là giáo dục đạo đức Pancasila…”

Thầy Zulfikar lầm bầm gì đó. Thầy ta cảm thấy mình thắng thế. Nhìn mắt thầy có thể thấy thầy muốn chứng tỏ rằng mình đã từng đọc Principia của Isaac Newton, rằng thầy cũng đặt mua dài hạn các tạp chí vật lý quốc tế, và rằng thầy là một con chuột phòng thí nghiệm với kinh nghiệm đầy mình. Thầy là một cử nhân mới tốt nghiệp ngạo mạn cho rằng mình biết tuốt. Bài diễn văn của thầy được chêm vào nhiều câu trích dẫn và thuật ngữ khoa học không đáng tin cậy nhằm để khoe mẽ.

Vì đã tin chắc đội trường mình sẽ thắng, thầy Zulfikar, không thể cưỡng lại được mong muốn hạ giá trị chúng tôi, đã chuyển từ ngạo mạn sang thô lỗ.

“Có lẽ các học sinh trường Muhammadiyah này hoặc ban giám khảo sẽ vui lòng giải thích một chút về thuyết Descartes về hiện tượng màu sắc chăng?”

Thầy đó đi quá xa mất rồi! Không ai ngờ được chuyện đó. Thầy Zulfikar muốn làm mất thể diện chúng tôi và làm mất uy tín ban giám khảo. Thầy đó tin rằng không ai trong chúng tôi biết về Descartes, và như thế thì sẽ phải hủy câu hỏi đó hoặc chứng tỏ rằng câu trả lời chúng tôi là sai. Và nếu câu trả lời của chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ mất 100 điểm và trường PN sẽ thắng. Điều khiến chúng tôi thấy tổn thương nhất là cái lối thầy đó nói trường Muhammadiyah, cố tình nhấn mạnh để nhắc mọi người nhớ rằng trường chúng tôi chỉ là một trường tầm thường chẳng có gì nổi trội hết.

Cách hành xử của thầy Zulfikar là một vấn đề muôn thuở của Indonesia: những người có học thức lòng vòng nói tới nói lui với những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu chẳng phải vì sự tiến bộ khoa học, mà là vì muốn khoe mẽ với những người ít nói và không thể tìm ra lời lẽ để tranh luận. Những trí thức thích trấn áp và cho ta đây hiểu biết hơn người, như cách thầy Zulfikar thể hiện, nhan nhản khắp nơi. Những người kiểu như thế chỉ là trí thức rởm; những nhà khoa học rởm ngạo mạn khống chế những cộng đồng người không được học hành đến nơi đến chốn hòng tự tâng bốc bản thân lên và làm đầy túi mình.

Khi nghe câu thách đố đầy khiêu khích của thầy Zulfikar, trưởng ban giám khảo hít một hơi thật sâu. Ông nhìn quanh các đồng nghiệp mình, những thành viên khác trong hội đồng giám khảo. Ai cũng lắc đầu có ý bảo họ không thể đấu trí tay đôi với thầy Zulfikar.

Tôi xin lỗi, thầy giáo trẻ. Thay mặt ban giám khảo, tôi phải nói rằng chúng tôi không có đủ kiến thức về lĩnh vực ấy.”

Lời lẽ ông thật khiêm tốn, ông giáo già tội nghiệp ấy. Ông là giáo viên kỳ cựu có trái tim nhân hậu, được mọi người tôn trọng vì hàng mấy chục năm tận tụy với sự nghiệp giáo dục ở Belitong. Trông ông ngượng ngùng và tuyệt vọng. Ông đưa ánh nhìn về phía đội chúng tôi, đội F. Lintang mỉm cười và khẽ gật đầu. Thật bất ngờ, trưởng ban giám khảo lên tiếng, “Nhưng học sinh đến từ trường Muhammadiyah này có thể giúp".

Căn phòng im phăng phắc, ai nấy đều chìm trong lo lắng, và mọi người trở nên bực bội hơn khi thầy Zulfikar bồi thêm một lời bình phẩm tàn nhẫn nữa.

Tôi hy vọng lời phản biện của em ấy chính xác được như những câu trả lời lúc nãy!”

Thầy đó lại đi quá xa nữa rồi! Thầy đó đã cố tình khiêu khích Lintang, và lần này Lintang không thể không có phản ứng gì. Nó đứng lên nói.


“Thưa thầy, nếu thầy phản đối vì câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi thì may ra lời phản đối của thầy có thể chấp nhận được. Nhưng ban giám khảo đã hỏi một câu hỏi và câu trả lời đó đã được viết trên giấy trắng mực đen hẳn hoi và được cô đọc câu hỏi đọc to lên nữa. Em dám chắc rằng vân tròn Newton được viết ở đấy, và câu trả lời của đội em là vân tròn Newton. Thế có nghĩa là đội em xứng đáng nhận 100 điểm. Cho dù nó không đúng ngữ cảnh thì cũng chỉ có nghĩa là ban giám khảo đã hỏi một câu hỏi đúng nhưng chỉ là do cách diễn đạt chưa thật thích đáng thôi.”

Thầy Zulfikar vẫn không chịu thừa nhận chuyện đó.

Nói cách khác, câu hỏi sai vì những đội khác trông đợi một câu trả lời khác!

Lintang bác đi, “Chẳng có gì sai ở đây cả ngoại trừ thầy, thưa thầy, thầy đã coi thường bản chất của thuyết vân tròn Newton và muốn hạ thấp điểm của đội em vì tính nhỏ mọn tầm thường.”

Thầy Zulfikar bực mình và nổi đóa. Khán phòng lại như sôi lên. Thầy nhào lên phía trước.

À, nếu thế thì em hãy giải thích cho tôi nghe bản chất của học thuyết đó đi! Đội của em đạt điểm chỉ vì ăn may thôi, còn thì chẳng biết gì ráo!”

Ôi trời, thật chẳng còn gì để nói nữa. Con nhỏ Sahara cau mặt lại. Sau một lúc ngơ ngác, giờ nó đã trở lại là một con báo, hai hàng chân mày của nó châu lại vào nhau. Đám đông và ban giám khảo sửng sốt, ai nấy miệng há cả ra kinh sợ trước trận tranh cãi khoa học đang hồi cao trào diễn ra trước mắt. Họ thậm chí không thể xen vào được. Đây là một vấn đề ngoài tầm hiểu biết của họ.

Nghe từ vân tròn lặp đi lặp lại nhiều lần, Lintang vẫn tỉnh bơ như không. Rồi nó nhìn chăm chăm vào mẹ nó đang hoang mang ngồi nơi góc phòng. Mặt nó sưng lên, ngực phập phồng. Trông như thể nó đang mang trên người một gánh nặng to tướng vậy. Tôi lập tức hiểu rõ phản ứng của nó. Vấn đề về vân tròn Newton chắc chắn gợi cho nó nhớ lại chuyện nó buộc phải bán chiếc nhẫn cưới của mẹ nó để có thể tiếp tục đến trường. Có thể thấy rõ là nó đang tức điên lên. Cuộc tranh luận với thầy Zulfikar đã trở thành vấn đề cá nhân đối với Lintang, và đây là cách phản ứng của một nhân tài đang cơn cáu tiết:

“Bản chất ở đây là rõ ràng Newton đã chỉ đúng những sai sót trong các học thuyết về màu sắc của Descartes, Aristotle, và sau này là Robert Hooke! Ba người này nghĩ rằng màu có những quang phổ riêng biệt. Thông qua thấu kính lõm, mà sau này khai sinh ra định lý vân tròn, Newton đã chứng minh rằng màu sắc nằm dọc theo một quang phổ liên tục và quang phổ đó không được tạo ra bởi những đặc tính thủy tinh, mà là đặc tính cơ bản của ánh sáng!”

Thầy Zulfikar kinh ngạc! Khán giả chẳng hiểu mô tê gì về thuyết quang học, thậm chí ngay cả gật đầu họ cũng không thể gật. Tôi sung sướng quá. Linh cảm của tôi đã đúng! Tôi muốn nhảy ra khỏi ghế, đứng trên cái bàn trước mặt mà hét tướng lên: Các bạn có biết ai đây không? Đây là Lintang Samudra Basara con trai của Syahbani Maulana Basara, một học sinh thông minh xuất chúng và là người ngồi cùng bàn với tớ đấy! Nào mọi người hãy làm quen với cậu ấy đi!”

Lintang vẫn chưa thôi.

“Newton cho rằng, trừ phi thầy, thưa thầy, thầy muốn nghi ngờ một bản thảo về khoa học đã được chứng minh cách đây 500 năm, rằng tỷ trọng của những phân tử trong suốt quyết định hạt mà chúng phản xạ. Đó là mối liên hệ giữa độ dày của tầng khí quyển và quang học theo định lý về vân tròn màu sắc. Tất cả điều này có thể chỉ được xem xét dưới cái nhìn của quang học. Thưa thầy, làm sao thầy có thể cho rằng những vấn đề này không hề có liên quan gì đến nhau?”

Thầy Zulfikar lảo đảo như muốn quỵ xuống, mặt xanh xám. Thầy ngồi phịch xuống một chiếc ghế, người như thể không còn xương. Dường như thầy chẳng còn biết nói gì. Đôi kính trễ xuống sống mũi gãy trông thật thảm hại. Thầy nhận ra rằng việc mù quáng sa vào cuộc khẩu chiến về một điều thầy không nắm vững lắm chỉ tổ khiến sự xuẩn ngốc của thầy lòi ra trước cặp mắt sáng ngời của những người như Lintang mà thôi.

Vân Sam