Thiếu điện vào 2021

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than... nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu).

Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng ~5% nhu cầu), các năm 2024-2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi xanh.

{keywords}
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ, gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: Lương Bằng

Tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đánh giá: Các dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo tiến độ nhưng các dự án của Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí đều không đảm bảo tiến độ. Cho nên, có khả năng xảy ra thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025.

Trong khi đó, ông Phương Hoàng Kim cho rằng chưa có cơ chế để quy trách nhiệm việc chậm tiến độ các dự án điện này, thiếu chế tài đối với doanh nghiệp nhà nước không đảm bảo đầu tư các dự án điện.


Liên quan các bất cập từ chính sách khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng thẳng thắn: Đừng cứ bám vào những cái đã có rồi không làm, không làm thì sao phát triển được. Có những cái hôm qua đúng nhưng hôm nay đã khác. Cần phải xem vướng đâu để báo cáo Chính phủ.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: Với những nguy cơ trước mắt, có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong nguyên nhân chủ quan có những vấn để khó khăn do chồng chéo các quy định, thủ tục nhưng cũng có những vấn đề có thể tháo gỡ.

Vì vậy, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cùng các đơn vị hữu quan của Bộ phải nhanh chóng thúc đẩy tiến độ các dự án, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu phải xem lại các chế tài, quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt đối với những dự án thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dẫn đến tình trạng phá vỡ kết cấu của quy hoạch.

Với những dự án điện BOT, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh điểm mặt có chủ đầu tư nhận dự án rồi “tìm cách để bán”.

Nhắc đến dự án Long Phú 2 của Tata (Ấn Độ) ở Sóc Trăng, ông Trần Tuấn Anh nói thẳng: Thực tế họ tìm cách bán dự án cho chủ đầu tư khác.

Do đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tìm hiểu lại cơ chế, pháp lý để tránh tình trạng giao dự án cho các “chủ đầu tư vô trách nhiệm”, gây bức xúc rất lớn cho Trung ương cũng như chính quyền địa phương.

{keywords}
Thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội. Ảnh: Lương Bằng

1 ngày thiếu điện ảnh hưởng vô cùng lớn

Đề cập đến vai trò của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, lãnh đạo Bộ Công Thương tỏ ra không hài lòng khi vai trò của Ban chỉ đạo chưa được phát huy, nhất là khi Bộ Công Thương lại là cơ quan thường trực, là đầu mối quản lý lĩnh vực điện.

“Thành viên của Ban chỉ đạo không chỉ có mình Bộ Công Thương, mà còn có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,... Vậy cơ chế quản lý hoạt động của Ban này thế nào, nhất là gắn với dự án lớn, trách nhiệm các bộ ngành như thế nào”, Bộ trưởng Công Thương băn khoăn. “Để xử lý vấn đề liên quan dự án nhiệt điện Thái Bình 2, mấy chục ngàn tỷ trong đó, cuộc họp do anh Vượng (Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - PV) chủ trì thì không có bộ ngành nào đến họp. Tại sao để yên thế? Sao không báo cáo lên? Cần xem xét trách nhiệm của các bộ ngành trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ: Đặc điểm các dự án năng lượng là đều có quy mô lớn, hầu hết các dự án nhiệt điện đều có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, thời gian thi công tương đối dài với cả nghìn hạng mục phức tạp, do vậy chủ đầu tư không tìm được nhà thầu có năng lực thì rất dễ xảy ra việc kéo dài nhiều năm.

Bên cạnh đó, theo ông Vượng, việc thay đổi chính sách trong bảo lãnh các dự án, ngay cả đối với một tập đoàn có tài chính mạnh như PVN mà không có bảo lãnh của Chính phủ cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề về vốn. “Trước kia khi có bảo lãnh của Chính phủ chỉ một năm là thu xếp được vốn, giờ không có nữa thì chắc chắn sẽ lâu hơn” - ông Vượng nêu rõ.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, một tháng phải họp báo cáo một lần, 3 tháng lập đoàn kiểm tra tới các công trình một lần.

“Các dự án nào có vướng mắc đơn giản, có thể xử lý được sớm thì cần đẩy nhanh tiến độ hơn. Về dài hạn, cần phải thay đổi cách làm Tổng sơ đồ VIII” - ông Vượng lưu ý.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đến lúc này cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt. Việc đầu tiên là phải đồng nhất trong sự chỉ đạo bởi điện, dầu khí là các vấn đề hạ tầng quan trọng, thiết yếu. "Hạ tầng khác cũng quan trọng nhưng nếu một ngày thiếu điện, một giờ thiếu điện sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn, cần phải ưu tiên hàng đầu” - ông Trần Tuấn Anh nói.

5.000 đồng/kWh, nguy cơ có tiền không mua được điện để xài

5.000 đồng/kWh, nguy cơ có tiền không mua được điện để xài

Tình hình cung ứng điện đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng, khả năng thiếu điện ngày càng hiện rõ. Hàng năm, nhu cầu điện vẫn tăng cao trong khi nguồn điện mới đưa vào lại chậm chạp đến mức báo động.

Lương Bằng