Sau kết quả “sốc” của bầu cử tại Mỹ, giờ là lúc người ta bắt đầu theo dõi và tính toán về các nước cờ bang giao của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Trump là người nổi tiếng dân tuý và theo chủ nghĩa biệt lập (isolationism), không muốn nước Mỹ can dự nhiều vào các khu vực mà không đem lại những giá trị hữu hình. Ông Trump từng nói mạnh về việc đồn trú và đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Á là việc “làm phúc mà không được trả ơn”.
Chả thế mà quân đội Hàn Quốc đã phải họp khẩn ngay sau khi có kết quả bầu Tổng thống Mỹ để đánh giá ảnh hưởng mà chính quyền mới ở Mỹ dưới thời của ông Donald Trump có thể tạo ra đối với mối quan hệ đồng minh song phương.
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump |
Láng giềng của Hàn Quốc là Nhật Bản đã cấp tập gửi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử của Mỹ, không quên nhấn mạnh Washington và Tokyo là những đồng minh không thể lay chuyển dựa trên những giá trị chung như tự do, dân chủ, các quyền cơ bản của con người và pháp luật.
Được biết, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã lên kế hoạch gặp mặt tân Tổng thống đắc cử Mỹ ở New York trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru vào giữa tháng 11. Mục đích cuộc gặp được cho là khẳng định về mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật trong tương lai gần.
Có thể thấy, hầu hết các quốc gia đều hướng về nước Mỹ trong tuần vừa rồi. Vì, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump, người vừa đắc cử đã nhiều lần ám chỉ việc các đồng minh “ăn bám”, và ông thể hiện quyết tâm xây dựng hiệp ước “công bằng” hơn.
Song thật may mắn, ngay sau hôm có kết quả chính thức, Tổng thống đắc cử Donal Trump đã trấn an Hàn Quốc về việc vẫn tiếp tục giữ quan hệ đối tác chiến lược.
Trong số các nước Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc lẫn các nước khu vực Đông Nam Á cũng đang dõi theo các bước đi ngoại giao của ông Trump. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Trump nhiều lần sử dụng ngôn ngữ khá mạnh, để chỉ trích Bắc Kinh. Một điều ai cũng thấy rõ là ông Trump gần như chỉ nói về vấn đề thâm hụt thương mại, mà chưa nói gì nhiều về vùng nóng Biển Đông.
Việc Washington quan tâm đến vùng biển Đông Nam Á thế nào vẫn đang là một câu hỏi lớn trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng bá quyền.
Không ít ý kiến quan ngại về việc nếu không có Mỹ tái cân bằng, Trung Quốc sẽ thừa cơ đẩy mạnh chính sách “bẻ đũa từng chiếc” mà họ đang ngấm ngầm làm.
Xa vời TPP
Ông Trump đã dùng từ rất nặng khi nói về TPP, đại ý, TPP là cuộc “cưỡng hiếp đất nước chúng ta”. Là một người theo chủ nghĩa bảo hộ, ông Trump tích cực chống toàn cầu hoá thương mại, và dĩ nhiên ông ấy sẽ phản đối kịch liệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nếu vậy, xem ra, về kinh tế, châu Á sẽ u buồn nếu những tuyên bố tranh cử của ông Trump được ông ấy quyết tâm thực hiện.
Cùng với sự chống đối sẵn có ở Quốc hội Mỹ, thêm việc ông Trump lên làm Tổng thống, người ta đã sớm tiên lượng, số phận của hiệp định mà ông Obama đã coi như là giải pháp “định hình thế giới của thế kỷ 21” sẽ đi vào ngõ cụt, hoặc tiến triển rất chậm chạp.
Theo giới quan sát, nếu TPP không được kí kết, thì đây là một bước lùi thực sự không chỉ cho Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới 11 quốc gia thành viên, những quốc gia đã tính toán nắm lấy TPP làm đòn bẩy cho tăng trưởng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác, ví dụ Trung Quốc.
Và đương nhiên, chiến lược “Xoay trục châu Á”, do ông Obama và bà Clinton đã dày công gây dựng, cũng sẽ “theo gió cuốn đi” nếu thiếu TPP.
Với Việt Nam, từ năm 2008 đã rất tích cực đàm phán và chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định tự do thương mại kiểu mới. Thậm chí có những điều chỉnh về pháp lý chúng ta đã làm rốt ráo nhằm dọn đường cho TPP.
Thêm một nguy nữa của kinh tế châu Á, cũng như toàn cầu đã được chỉ ra sau kết quả bầu cử Mỹ đó là là nguy cơ chiến tranh thương mại do ông Trump khởi xướng. Với quan điểm bảo hộ triệt để, ông Trump có thể tác động vào chính sách và từ đó tạo ra cuộc chiến thương mại với cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Hai quốc gia này luôn bị ông cáo buộc đã cố tình phá giá tiền tệ, tạo ra thâm hụt thương mại cho Mỹ.
Không dừng ở đó, sau kết quả bầu Tổng thống Mỹ vừa rồi, giới chuyên gia cũng đã lo ngại về một cuộc chiến thương mại kịch liệt tới mức có thể sẽ lôi cả thế giới quay lại thời kì khủng hoảng như năm 2008.
Tuy nhiên tất cả mới là dự báo. Tất nhiên Tổng thống Mỹ có thẩm quyền rất lớn, thế nhưng, Tổng thống Mỹ không thể đứng trên Hiến pháp. Tổng thống Mỹ luôn phải tuân thủ khuôn phép do Hiến pháp đặt ra, chịu sự kiềm chế và đối trọng từ phía QH và Tòa án tối cao, là những cơ quan cũng do Hiến pháp đặt ra.
Nguyễn Khắc Giang