Diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?" hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.

Dưới đây là bài viết của độc giả Nguyễn Văn Phan gửi về diễn đàn (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).

Hiện nay, Ban Giáo dục Báo VietNamNet đang mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?". Có người ủng hộ quan điểm: trong thế giới văn minh ngày nay không thể chấp nhận hình thức kỷ luật con người bằng roi vọt. Nhưng tôi nghĩ khác.

Thời của tôi bắt đầu đi học là lớp vỡ lòng. Thầy giáo của tôi tên là Cường, là người trong làng. Thầy có dáng người nhỏ thó, lưng gù. Nhưng đối với tôi, thầy là một người tuyệt vời, như một ông tiên. Sau buổi đầu đi học về, tôi liền khoe với mẹ là hôm nay con biết viết chữ o, chữ a, biết đánh vần chữ “mẹ”, “bà”, “bố” rồi dần dần biết đọc cả một câu… rồi hãnh diện nói với mẹ "thầy giáo con đẹp nhất làng". Chính thầy đã mở cho tôi một cánh cửa mới lạ, bắt đầu biết nhìn ra thế giới bên ngoài, thay vì trước đó chỉ khóc nhè vòi vĩnh mẹ.

Lúc đó chúng tôi chỉ tầm 6-7 tuổi, có vài bạn học đúp thì tầm 8-9 tuổi, còn nhóc con nên chưa có hiểu biết gì. Nhưng bây giờ ngẫm lại mới thấy thầy của mình thật vất vả.

Ngày đó, vào khoảng giữa những năm 1970, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, mỗi đứa chỉ có một quyển vở. Thầy nhẹ nhàng, kiên trì nắm tay từng đứa để bắt tay viết theo thầy, bắt đầu là những nét sổ, nét ngang, nét móc… rồi chữ “o”, chữ “a”… Rồi bằng cách nào đó, thầy thu hết vở của trò, về dùng bút chì vẽ các chữ cái, nét rất mờ lên từng cuốn vở để chúng tôi tô lại. Bây giờ ngồi nhớ lại thấy khâm phục lòng kiên trì của thầy.

Thế nhưng, hôm nay tôi lại muốn tả về cái roi của thầy. Để dạy chữ, thầy không chỉ ngồi nắn nót hướng dẫn các trò viết, tập đọc, mà thầy còn có một công cụ nữa để dạy lũ chúng tôi. Đó là cái roi tre.

Cái roi tre thầy vót rất đẹp, giao cho một bạn là lớp trưởng cầm giữ, và công khai cho tất cả các trò biết về chiếc roi này là để phạt những ai nghịch ngợm, đi học muộn hoặc không chịu học bài.

Bọn trẻ con bao giờ cũng vậy, thầy nhắc nhở thế nhưng một chốc là quên, và coi sự trừng phạt là bạn nào đó chứ không phải mình nên chẳng cần nhớ.

Thời gian đầu, không có chuyện gì xảy ra. Thầy kiên trì hướng dẫn chúng tôi học tập, những bạn viết chữ xấu, về nhà chưa làm bài tập... đều chưa bị thầy đánh. Nhưng sau đó, mọi việc bắt đầu.

Hôm đó, bỗng dưng thầy gọi một vài bạn lên bục giảng. Thầy đã khen những bạn này viết chữ rất đẹp. Các bài tập viết về nhà đều được làm đầy đủ. Cả lớp vỗ tay hoan hô biểu dương.

Rồi thầy gọi một vài bạn lên bục giảng, thầy hỏi các bạn đã làm bài tập về nhà chưa, các bạn này đều trả lời chưa làm. Thầy liền nhắc nhở rằng nếu lần sau mà không làm bài tập, thầy sẽ dùng roi đánh.

Chưa biết đau là gì, nên những bạn này cũng vẫn quên luôn lời thầy nhắc. Buổi học sau, vẫn phương pháp đó, thầy biểu dương những bạn viết đẹp, vở sạch, làm bài tập viết đầy đủ. Sau đó thầy gọi những bạn chưa làm bài tập lên bục. Lần này, từng bạn một được nằm sấp trên một cái bàn kê sẵn. Thầy lấy roi và quất vào mông từng đứa. Tôi cũng đã bị thầy đánh nhiều lần. Đau lắm, đau hơn mẹ đánh ở nhà. Tôi còn nhớ, cả lớp ai cũng bị đánh vài lần, không lỗi này thì lỗi nọ. Từ đó lũ trẻ tôi biết sợ cái roi của thầy.

Tôi không biết tại sao lớp vỡ lòng tôi học có nhiều bạn từ lớp trước đúp xuống thế. Nhưng từ khi học thầy Cường, cả lớp đều được lên học lớp 1. Rồi chúng tôi cùng nhau học lên cấp 2 và hết cấp 3. Có một vài bạn đỗ đại học, còn đa số làm giáo viên, một số tham gia công tác ở xã.

Tôi tin rằng, lũ chúng tôi sau này không có ai bị trượt, không chỉ vì có người thầy kiên trì dạy dỗ, mà còn có tác dụng bởi cái roi tre của thầy. Thời chúng tôi đi học, chúng tôi sợ thầy cô giáo hơn sợ bố, mẹ. Chính thầy, cô giáo đã rèn cho chúng tôi những nguyên tắc trong học tập, trong lao động và nghỉ ngơi. Và những đòn roi vẫn tiếp tục theo chúng tôi ở cấp 1 và cấp 2. Chính tôi khi học cuối cấp 2 (phổ thông cơ sở) vẫn bị thầy giáo dùng thước kẻ đánh lằn mông vì đùa nghịch, đứng lên bàn học, vẽ bậy lên tường. Chỉ sau này, khi lên học cấp 3, chúng tôi mới không bị thày cô đánh nữa, có thể là do chúng tôi lớn rồi.

Có thể thời của chúng tôi khác, nhưng tôi nghĩ, thầy cô giáo đánh roi trẻ không phải là sự tra tấn, mà là một công cụ để học trò biết mà tránh những lỗi lầm, biết đi vào khuôn phép.

Như câu chuyện tôi kể về cái roi của người thầy tôi ở trên. Người thầy đầu tiên của tôi bây giờ không còn nữa, nhưng chúng tôi vẫn kể về thầy một cách trân trọng mỗi khi gặp mặt. Và chúng tôi luôn cám ơn những cái quất mông của các thầy cô giáo khi ở lứa tuổi học trò mới lớn. Chỉ có điều, các thầy, cô tôi giáo của tôi lúc bấy giờ đã biết cách sử dụng cái roi đó đúng cách, sử dụng bằng cả tình yêu thương học trò, mong muốn học trò biết cái chữ, thành con người có hiểu biết, từ đó có ích cho xã hội. Thầy, cô không đánh trò vì bực tức cá nhân.

Bản thân tôi cũng không đồng tình với cách hành xử bạo lực trong nhà trường như một số thông tin mạng đưa lên gần đây. Nhưng tôi đồng tình quan điểm của một người thầy khi: “Xin phụ huynh hãy trả lại vai trò người thầy cho chúng tôi, để chúng tôi có thể làm tròn trách nhiệm người thầy”.

Chỉ mong các thầy, khi xử phạt học sinh cần theo tâm lý độ tuổi. Không phạt đánh khi các cháu đang là lớp mầm non, lớp lá, lúc này các cháu còn quá nhỏ để hiểu biết, hoặc đã quá lớn khi vào học phổng thông trung học cơ sở trở lên, lúc này các cháu đã có lòng tự trọng. Chỉ nên phạt đánh học sinh ở lứa tuổi học sinh tiểu học, và phạt bằng tình thương, có thể dùng roi đánh mông, tuyệt đối không dùng tay tát vào đầu, vào mặt, hay đấm đá vào người học sinh, đó là hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, phản giáo dục.

Đối với các phụ huynh, cần có cái nhìn thông cảm với thầy cô giáo. Khi thấy con bị đánh, cha mẹ nào cũng thương xót, nhưng trước khi có phản ứng thái quá, hãy tìm hiểu lý do. Nếu con bị đánh quá tay, cần bình tĩnh làm việc với thầy, cô giáo đó và với lãnh đạo nhà trường tìm hiểu rõ ngọn nguồn, không nên tự hành xử thiếu văn minh với người đã dạy dỗ con mình. Tôi cực lực phản đối việc cha mẹ học sinh vì thương con mà nhảy vào đánh, mắng, làm nhục thầy, cô giáo ngay trước mặt con mình và trước lớp học. Chính điều đó sẽ làm hư con mình.

Giáo dục - đào tạo là việc khó, nhất là đào tạo kiến thức phải đi đôi với giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh. Điều đó cần có sự gương mẫu và trách nhiệm đồng thời của cả nhà trường và gia đình.

Một trường học hạnh phúc khi và chỉ khi có sự đồng hành giữa gia đình và nhà trường. Khi thầy cô giáo nghiêm khắc với học sinh và có sự đồng tình của cha, mẹ thì các cháu mới tự giác học tập, rèn luyện. Cha mẹ và thầy cô giáo phải là tấm gương sáng thì học sinh, con em mình mới học tập, noi theo và trở thành con người đúng nghĩa, mới trở thành người có tri thức, có nhân cách sau này, không thể chỉ dựa vào một phía nào cả.

Nguyễn Văn Phan