Chuyển hướng, tìm cách ứng phó

Trả lời phóng viên VietNamNet về tác động của dịch Covid 19 đến hoạt động, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho biết: "Chúng tôi chưa thấy ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh". 

Nói về nguồn cung nguyên vật liệu, ông Hồ Quỳnh Hưng cho hay: "Chúng tôi đã chuẩn bị nguyên vật liệu đến hết Quý I, cho nên hiện giờ hoạt động sản xuất vẫn ổn. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài lâu hơn thì sẽ có ảnh hưởng, nhất là linh kiện điện tử. Chúng tôi đang mở rộng thêm tìm nguồn linh kiện điện tử ở Ấn Độ. Giai đoạn này doanh nghiệp nào nội địa hóa nhiều thì tính chủ động sẽ cao hơn, mức độ phụ thuộc ít hơn. Ngoài ra, Điện Quang cũng đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng do khách hàng ngại đến nơi đông người".

{keywords}
Ứng phó với Covid 19: Không hoảng loạn, cuộc sống vẫn phải làm việc

Ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện) khoảng 37,5 tỷ USD năm 2019 (xuất khẩu 17,8 tỷ USD và nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD). Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.

Chia sẻ với phóng viên về nội dung này, đại diện Samsung Việt Nam cho biết: "Samsung Việt Nam sử dụng linh kiện điện tử từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, nhưng chủ yếu từ Việt Nam và Hàn Quốc. Sự bùng phát của dịch do virus corona đang gây nên tình trạng chậm trễ cho quá trình thông quan tại cửa khẩu, do đó, chúng tôi sẽ sử dụng các phương án vận chuyển khác nhau bao gồm đường biển và đường hàng không để đảm bảo ổn định sản xuất".

Tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vào ngày 10/2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho rằng: với tỷ lệ nội địa hoá cao, nguyên liệu của công ty còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3. Việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có thể tiếp tục trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 2. Trước mắt, công ty đã có thêm một số đơn hàng sử dụng 100% nguyên liệu trong nước nên khó khăn trong giai đoạn ngắn sắp tới sẽ được giảm nhẹ.

Trước khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây thông tin thêm: Công ty cũng đã lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ doanh nghiệp trong nước thay thế, đồng thời, chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế.

{keywords}
Doanh nghiệp tìm cách ứng phó với các biến động do dịch covid 19 gây ra.

Trong nguy có cơ

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng bối cảnh này các doanh nghiệp cũng nên bình tĩnh, tránh để tác động tâm lý ảnh hưởng tiêu cực.

Đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 với ngành thép, một chuyên gia trong ngành đánh giá rằng trước mắt tác động tiêu cực là rõ nét. Song khi dịch bệnh cuối cùng được ngăn chặn và cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta có thể sẽ thấy sự gia tăng ngắn hạn trong hoạt động do nhu cầu bị kìm hãm trong quá trình bùng phát virus sẽ quay trở lại.

Khi đánh giá tác động của dịch bệnh corona đến kinh tế xã hội Việt Nam, ngoài những tác động tiêu cực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn thấy một số cơ hội cho nền kinh tế, doanh nghiệp trên cơ sở các báo cáo đánh giá của các Bộ: Công Thương, NN-PTNT...

Đơn cử với ngành da giày, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong dài hạn, vì Trung Quốc là một trong những quốc gia xuất khẩu da giầy lớn nhất thế giới nên trường hợp diễn biến xấu, dịch kéo dài sẽ khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng da giày của Trung Quốc suy giảm. Đây là cơ hội để hàng da giày  Việt Nam tận dụng cơ hội xuất khẩu thay thế, tham gia sâu hơn vào các thị trường khác trên thế giới. Các đơn hàng xuất khẩu trên thế giới nhiều khả năng có thể sẽ chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác ngoài vùng dịch bệnh, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Dịch bệnh diễn ra với quy mô lớn ở Trung Quốc, nhiều nhà máy sản xuất ở Trung Quốc phải đóng cửa ngừng sản xuất. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam.

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 thực sự đã tạo nên những tác động tiêu cực đáng kể đối với các nền kinh tế trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng cách thức ứng phó ra sao để không gây ra tình trạng hoảng loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội là điều cần thiết. Vậy nên, phương châm thực hiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị là: “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”.

Bởi, giống như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Covid-19 có như thế nào thì đất nước mình vẫn phải ăn, vẫn phải sống, vẫn phải làm, vẫn phải chơi, vẫn phải vững vàng... Đã đến lúc chúng ta cần dành nhiều sự tập trung cho công việc”.

Lương Bằng

Chính sách khẩn cấp tăng lực cho nền kinh tế vượt bão dịch

Chính sách khẩn cấp tăng lực cho nền kinh tế vượt bão dịch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, giãn - miễn - giảm thuế với một số đối tượng; giảm tiền thuê đất.