Những ngày cao điểm phòng chống đại dịch Covid-19 này, đọc thông tin trên báo chí và mạng xã hội, nhiều khi không thể cầm lòng trước những hành động đẹp thể hiện sâu sắc tình đất nước, nghĩa đồng bào.

Từ quả bí, chục trứng, mớ rau và suất cơm 0 đồng…

Cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) năm ngoái đạp xe lên UBND xã xin thoát nghèo, năm nay nghe lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, cụ đã đóng góp 2 triệu đồng để chống dịch. Đó là số tiền cụ gom góp từ bán rau, bán trứng gia cầm và con cháu biếu.

Cụ Nguyễn Văn Thái (89 tuổi ở thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đạp xe chở theo 1kg gạo, một quả bầu, bó rau muống, túi rau vặt và 20 nghìn đồng tặng cho người dân nơi điểm cách ly. Số thực phẩm ấy do tự tay cụ trồng được.

Bà Trần Chất (trú tại thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) mang theo quà quê đến tặng điểm cách ly ở khách sạn. Quà của bà gồm có rau, củ quả, trứng gà và số tiền 40 ngàn đồng và… bức thư với những dòng thơ đầy xúc động: “Hôm nay bà dậy sớm/ Hái một chút lá vườn/ Xin thể hiện lòng thương/ Với các con tất cả/ Bà chút tình đóng góp/ Mong tất cả bình an”.

Tay xách buồng chuối, mớ rau bí và gần hai chục trứng gà, bà Đinh Thị Lý (Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) là hộ nghèo, sống đơn thân nhưng không ngại chia sẻ với những người đang ở khu cách ly. "Rau tôi tự trồng, sạch lắm! Còn gà nuôi đẻ trứng ăn không hết, tôi đem gửi cho mấy cô, mấy chú cải thiện bữa ăn cho người đang cách ly phòng dịch", bà Lý cho biết.

{keywords}
Các tình nguyện viên tất bận chuẩn bị các suất ăn miễn phí cho lao động nghèo tại quán ăn trong mùa dịch. Ảnh: VietNamNet

Còn ông Hồ Văn Cảnh cũng ở Nam Anh, Nam Đàn, chia sẻ: "Tôi không có nhiều, chỉ có quả bí, chục trứng, mấy ký gạo… đem gửi các chú bộ đội, nấu thêm phần ăn cho những người đang cách ly vì dịch Covid-19".

Những ngày này, Sài Gòn nắng như đổ lửa nhưng không hề làm cho các tình nguyện viên nao núng. Họ vẫn đều đặn hàng ngày, hàng giờ mang phần cơm miễn phí trao tận tay những mảnh đời khó khăn là những người bán vé số dạo, xe ôm, lao động nghèo bị ảnh hưởng do đại dịch.

Còn nhiều, nhiều nữa những tấm lòng thơm thảo của hàng triệu người khắp mọi miền đất nước. Từ số tiền ủng hộ hàng chục, hàng trăm tỷ của các đại gia cho đến những đồng tiền tuy ít ỏi ủng hộ qua hệ thống nhắn tin do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp phát động. Từ những máy móc hiện đại trợ giúp các bệnh viện hay hàng vạn khẩu trang, hàng ngàn chai nước rửa tay cho đến cả những nắm rau, trái bí, cân gạo của những người dân quê nghèo khó, tất cả đều thể hiện nghĩa cử đầy xúc động về tình đất nước nghĩa đồng bào giữa lúc hoạn nạn do đại dịch gây ra.

Đến gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đang bàn thảo để sớm thông qua Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Các nội dung hỗ trợ gồm:

Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.

Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ ước tính ban đầu khoảng 28 – 30 nghìn tỷ đồng, cả ngân sách Trung ương và địa phương.

Giữa cơn đại dịch, Đảng và Chính phủ không chỉ lo tập trung mọi nỗ lực của cả nước phòng chống dịch bệnh mà còn lo vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nếu không chủ động giải quyết thì sẽ rất khó khăn cho đất nước lúc này và cả sau khi dịch bệnh kết thúc.

"Qua mấy tháng vừa rồi, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chúng ta thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức…", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Người dân thấu hiểu, cảm động trước những lo toan trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước giữa cơn đại dịch để rồi mỗi người bằng tình cảm và việc làm ý nghĩa của mình chia sẻ gánh nặng cùng Chính phủ dù chỉ là mớ rau, cân gạo hay chiếc khẩu trang.

Thông điệp về một xã hội đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm đang lan tỏa khắp mọi miền đất nước để câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” của tiên tổ luôn luôn là lẽ sống đẹp của mỗi người dân nước Việt thân yêu.

Nguyễn Duy Xuân

Ý thức cộng đồng và Nhà nước trách nhiệm

Ý thức cộng đồng và Nhà nước trách nhiệm

 - Dịch bệnh này một lần nữa chứng minh, một hệ thống quản trị công tốt không hẳn là hệ thống vận hành dựa trên nguyên tắc số đông.