Theo Đề án, thời gian tới, sẽ tổ chức các mô hình đào tạo từ xa theo hình thức trực tuyến cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực tiếng dân tộc, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa: bienphong.com.vn) |
Thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Hôm nay, ngày 12/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 414 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”.
Đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng CNTT nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển KTXH; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bằng dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương.
Về mục tiêu cụ thể, theo Đề án, mục tiêu đến năm 2023 thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Từng bước kết nối các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng đến năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; 80% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các thông tin về khoa học và thị trường; 90 % đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các thông tin, kiến thức về về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù; thông tin về pháp luật và các chính sách bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng dân tộc thiểu số.
Tổ chức mô hình đào tạo từ xa dạy tiếng dân tộc, kiến thức về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo; dạy nghề cho thanh niên các dân tộc thiểu số tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đảm bảo 80% các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số Việt Nam được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu (CSDL) số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống CSDL về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiêp cận thông tin; xây dựng thư viện điện tử về công tác dân tộc; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT để đồng bào dân tộc thiểu số chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề án cũng xác định rõ các mục tiêu đến hết năm 2025 là hoàn thiện hệ thống CSDL về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu 100% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; hoàn thiện bộ dữ liệu về dân tộc thiểu số Việt Nam; các thông tin về lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm, vật phẩm tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Việt Nam được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước; hoàn thiện thư viện điện tử về công tác dân tộc; thúc đẩy đồng bào dân tộc ứng dụng CNTT góp phần phát triển KTXH, giữ vững an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.
Sẽ xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Đề án, 5 nhóm nhiệm vụ với hàng loạt giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, bao gồm: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực KTXH và an ninh quốc phòng; Nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương; Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT-TT cho người làm công tác dân tộc.
Cụ thể, thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực KTXH và an ninh quốc phòng, nhiều giải pháp sẽ được triển khai như: Xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số, các sản phẩm truyền thông của các đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện;
Xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của các đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng và phát triển Bộ từ điển tiếng dân tộc điện tử; Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc…
Về đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo Đề án, trong giai đoạn đến năm 2025, sẽ xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ biến các kiến thức về CNTT nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo vùng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số;
Bên cạnh đó, tổ chức các mô hình đào tạo từ xa theo hình thức trực tuyến cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực tiếng dân tộc, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ đồng bào triển khai hoạt động thương mại điện tử trên sàn giao dịch điện tử…