Cơ hội đón đầu dòng vốn FDI công nghệ cao

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Apple, Google, Boeing,… đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. 

Việt Nam và Mỹ cũng vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện - một mốc lịch sử mở ra cơ hội có tính chất chiến lược cho Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 mới đây, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao, các phân ngành dịch vụ tích hợp vào các sản phẩm chế tạo và cả một số ngành công nghệ cao hàng đầu; cần có kế hoạch, lộ trình, và đề án để tận dụng việc triển khai các hiệp định đối tác, đẩy nhanh các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng… 

“Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trở thành nhà cung ứng, cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu hơn và ở những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các quốc gia có nhiều thay đổi về chính sách liên quan FDI)

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng đã quyết định không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư bằng cách thu hút nhiều công ty đa quốc gia trong Top 500 để thực hiện các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe con người, thiết lập các "đại bản doanh" ở Việt Nam...

Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Hà 

Cấp bách điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư

Các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách. 

Trên thực tế, sự có mặt của các tập đoàn công nghệ cao lớn như Samsung, LG, Canon, Intel… đã tạo ra những cú hích giúp kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Việc đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; đồng thời giảm động lực đầu tư của các khoản đầu tư mới vào Việt Nam.

Trong trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì sẽ không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore nhấn mạnh: Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả. Ví dụ như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ, Quốc hội xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết, để từng bước nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lương Bằng