Isabelle Lux, một người sáng tạo nội dung 32 tuổi đến từ Palm Beach, bang Florida, Mỹ kể, cô đã vô cùng sợ hãi khi ngồi trên ghế đợi làm thủ thuật thẩm mỹ có tên “Barbie Botox” trị giá 1.200 USD, do một ứng dụng tặng. Theo đó, cô sẽ được tiêm 40 đơn vị chất độc thần kinh botox vào mỗi cơ thang nâng đỡ cổ nhằm làm thon gọn bờ vai để chuẩn bị cho đám cưới cũng như giảm bớt chứng đau lưng trên.

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Nếu mọi việc suôn sẻ, điều này sẽ rất tuyệt vời và tôi nóng lòng muốn chia sẻ nó trên mạng. Nếu mọi việc sai hỏng, tôi cũng sẽ cảnh báo mọi người”, Lux bộc bạch.

                  Isabelle Lux chia sẻ hình ảnh trước, trong và sau khi làm thủ thuật "Barbie Botox" lên mạng xã hội. Ảnh: CNN

Những lo lắng của Lux là có cơ sở. Theo CNN, liệu pháp nói trên ban đầu được tạo ra để hỗ trợ giải phóng các cơ thang làm việc quá sức, có thể gây ra chứng đau nửa đầu, căng cứng cổ và đau vai gáy dữ dội. Tuy nhiên, thủ thuật hiện còn được sử dụng để làm giảm kích thước phần vai và khiến cổ trở nên thanh mảnh hơn như búp bê Barbie. Cách làm đẹp này đang gây sốt trên các mạng xã hội.

Cụm từ gắn thẻ “Barbie Botox” hiện thu hút hơn 7 triệu lượt xem trên TikTok, nơi các trung tâm làm đẹp và phòng khám đều chia sẻ hình ảnh tiêm cho khách hàng cùng những lời quảng cáo hấp dẫn. Video mô tả chi tiết trải nghiệm làm đẹp theo cách này của Lux cũng thu hút hơn 250.000 lượt xem.

Tuy nhiên, tiến sĩ Parisha Acharya, bác sĩ thẩm mỹ hàng đầu tại phòng khám Waterhouse Young nổi tiếng ở London (Anh) lưu ý, khi tiêm botox vào một cơ bất kỳ, cơ đó sẽ ngừng kết nối với dây thần kinh. Theo thời gian, điều này sẽ dẫn tới suy yếu và tê liệt cơ bắp. Một cách gián tiếp, cơ sẽ teo rút dần.

Thủ thuật Barbie Botox nếu được làm đúng cách có thể tạo ra phần cổ và vai thon gọn, làm đẹp vóc dáng. Song, nếu tiêm không đúng cách hoặc sai liều lượng, botox có thể gây tê liệt cơ hoàn toàn. Ngoài ra, theo tiến sĩ Acharya, chất độc thần kinh này đôi khi có thể dịch chuyển khỏi vị trí tiêm ban đầu, làm giảm kết nối thần kinh của các cơ xung quanh khác. Việc tiêm botox quanh cổ còn đặc biệt nguy hiểm vì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngẩng cao đầu.

Lux được yêu cầu tránh mang vác nặng, tập thể dục thể thao quá sức hay mát-xa trong ít nhất 72 giờ. Cô kể bản thân đã rất lo lắng vì cảm thấy đau, căng cứng ở cổ, vai và lưng trên trong tuần đầu tiên.

2 tháng sau, Lux cảm thấy “khá hơn bao giờ hết” và dự định tiêm đợt tiếp theo vào mùa đông. Dẫu vậy, cô khẳng định không thể xem nhẹ liệu pháp này. Cô khuyến nghị mọi người nên tới gặp chuyên gia y tế hoặc bác sĩ phẫu thuật để tham vấn trước tiên. Nếu không thể làm điều đó, cô khuyên họ không nên mạo hiểm.

Tiến sĩ Acharya đồng tình với quan điểm trên. Bác sĩ này bày tỏ lo lắng về cơn sốt “Barbie Botox” trên mạng xã hội, đặc biệt khi cách làm đẹp đó thu hút sự chú ý của những người xem trẻ tuổi. Theo bà, thực trạng rất đáng báo động khi một liệu pháp y tế lại không được kiểm soát sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ ở Anh và bất kỳ ai, kể cả thợ làm tóc không có kinh nghiệm lâm sàng và không có kiến thức về giải phẫu học, cũng có thể tiêm botox cho khách hàng.